CEO Nissan Makoto Uchida (trái) và Chủ tịch kiêm CEO Honda Toshihiro Mibe tại một buổi họp báo chung ở Tokyo, tháng 3 vừa qua. Ảnh: AP
Mới đây hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan và Honda thông báo đã bắt đầu đàm phán chính thức để sáp nhập, trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới về mặt doanh số.
Toshihiro Mibe, Giám đốc điều hành Honda cho biết các công ty cần có quy mô lớn hơn để cạnh tranh trong việc phát triển công nghệ xe điện và lái xe thông minh mới. Việc sáp nhập sẽ mang lại cho các công ty “lợi thế mà khuôn khổ hợp tác hiện tại sẽ không thể thực hiện được”. Thỏa thuận sáp nhập này nhằm mục đích chia sẻ thông tin và nguồn lực, đồng thời mang lại lợi thế kinh tế cộng hưởng và kinh tế quy mô trong khi vẫn bảo vệ cả hai thương hiệu. Các vòng đàm phán dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6 năm 2025. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập là một dự án trung – dài hạn và khó có kết quả cụ thể cho đến năm 2030.
Một công ty cổ phần sẽ được thành lập với tư cách là công ty mẹ của cả Honda và Nissan, được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Honda với quy lớn hơn sẽ nắm giữ hầu hết các thành viên hội đồng quản trị. Sau khi sáp nhập, công ty mới này được kì vọng sẽ mang lại doanh thu 30 nghìn tỷ yên (191,4 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động hơn 3 nghìn tỷ yên (19,14 tỷ USD).
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, Honda đã báo cáo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 1,382 nghìn tỷ yên (khoảng 9,26 tỷ USD) trong khi Nissan đạt 568,7 tỷ yên (khoảng 3,81 tỷ USD). Tổng tài sản của hai công ty ước tính gần 54 tỷ USD khi vốn hóa thị trường của Honda chiếm phần lớn với khoảng 43 tỷ USD.
Các công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xe điện toàn cầu từ các đối thủ như Tesla hay BYD của Trung Quốc. Chi phí chuyển đổi sang xe điện đối với các công ty lâu đời từ lâu đã được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình sáp nhập trong ngành.
Toyota là nhà sản xuất ô tô dần đầu thế giới về doanh số bán hàng, tiếp theo là Volkswagen. Việc sáp nhập giữa Nissan và Honda dự kiến sẽ giúp hai công ty này vượt qua Hyundai của Hàn Quốc.
Sau thông báo sáp nhập, cổ phiếu Nissan đã tăng vọt. Các nhà phân tích cho rằng việc sáp nhập này là kết quả của tình hình tài chính kém hiệu quả của công ty và việc tái cơ cấu mối quan hệ hợp tác lâu dài với Renault của Pháp.
Trong các quý gần nhất, Nissan cho biết họ sẽ cắt giảm 9.000 nhân sự và giảm 1/5 công suất trên toàn cầu. Ông Mibe, Giám đốc điều hành Honda cho biết một vài cổ đông của công ty có thể cảm thấy rằng thỏa thuận này thể hiện Honda đang hỗ trợ Nissan, nhưng ông cũng lưu ý rằng việc sáp nhập là “dựa trên giả định rằng Nissan sẽ hoàn thành quá trình phục hồi.” Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh “Nếu Nissan và Honda không thể tự đứng vững, các cuộc đàm phán sáp nhập sẽ không có kết quả,”.
Cổ phiếu của Renault đã tăng 1,2% vào thứ Hai. Công ty này hiện đang nắm giữ trực tiếp 17% cổ phần của Nissan và sở hữu thêm 18,7% thông qua một quỹ tín thác của Pháp, trong khi Nissan là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xe điện và phần mềm Ampere của Renault. Tại thị trường châu Á, cổ phiếu của Nissan đã tăng 1,2%, trong khi Honda tăng 3,8% và Mitsubishi tăng 0,6%.