Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tháng 10/2024, Thành phố đã thu hút được 210,055 triệu USD vốn FDI. Trong đó, cấp mới 60 dự án với vốn đăng ký là 203,684 triệu USD.
Những dự án mới này đưa tổng số dự án FDI trên địa bàn TP. Đà Nẵng lên con số 1.012 dự án, tổng vốn đầu tư gần 4,55 tỷ USD. Ngoài ra, hiện có 40.984 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động tại Đà Nẵng với tổng số vốn đăng ký đạt 255.462 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng cũng thu hút được 34.694,60 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Trong đó, cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26.945 tỷ đồng; cấp điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn tăng thêm là 7.749 tỷ đồng.
Lũy kế đến này, TP. Đà Nẵng có 380 dự án FED trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là 224.044 tỷ đồng. Đồng thời, có 399 dự án trong nước nằm khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với vốn đầu tư 34.780 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2024, việc thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại Đà Nẵng.
Cụ thể là Công ty Mixel Việt Nam (Hoa Kỳ); Chi nhánh Công ty TNHH Công Nghệ Marvell Việt Nam tại Đà Nẵng (Hoa Kỳ); Công ty TNHH Sibridges Việt Nam (Hoa Kỳ) và Công ty Ideas2Silion Việt Nam (Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, có 1 doanh nghiệp phát triển hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là Công ty Cổ phần Trí tuệ nhân tạo Việt Nam AIAIVN. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp thực hiện mở rộng quy mô đầu tư và nhân sự tại Đà Nẵng gồm Synopsys, Quest Global, FPT Semiconductor; có một số dự án sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết bị phục vụ công nghiệp bán dẫn đang thực hiện thủ tục đầu tư tại Đà Nẵng.
Hiện Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng đang hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp các dự án thiết kế chíp bán dẫn và dự án về sản xuất trang thiết bị bán dẫn, vật liệu bán dẫn… Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong 3 trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển ứng dụng AI.
Về thu hút vốn FDI trên toàn địa bàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, Đà Nẵng chú trọng triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn; triển khai thủ tục tháo gỡ các dự án để khơi thông nguồn lực theo Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Thành phố Đà Nẵng cũng đã tích cực triển khai các hoạt động của Tổ công tác liên ngành về Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, thực hiện rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đồng thời nhiều nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Trung ương ban hành và chính sách hỗ trợ riêng của thành. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ số… đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam…
An Hải