Ngày 26/02/2021, Quỹ Triển vọng và Đổi mới của cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin đã tổ chức hội thảo về tình báo kinh tế trong thời đại dịch bệnh (“Intelligence économique en temps de pandémie”). Sau đây là một số nội dung chính của hội thảo:
Tại Pháp, khái niệm “tình báo kinh tế” ra đời năm 1994 trong Báo cáo Martre. Trên bình diện quốc tế, từ năm 1993, Bill Clinton đã đưa ra một loạt các sáng kiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, bảo vệ an ninh kinh tế. 10 năm sau đó, năm 2003, cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin bắt đầu triển khai thành lập cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm về tình báo kinh tế và Pháp bắt đầu hoàn thiện các thiết chế hành chính về lĩnh vực này.
Trong bối cảnh khủng hoảng y tế và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nước Pháp phải đối mặt với sự phụ thuộc và mong manh của nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh mới. Điều này đòi hỏi cần xác định rõ khó khăn, thách thức, cơ hội và các biện pháp giải quyết. Tình báo kinh tế không chỉ do Nhà nước và các tập đoàn lớn thực hiện mà còn liên quan đến tất cả các tác nhân của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME).
Về khó khăn, thách thức: quy mô của các doanh nghiệp phần lớn là PME (chiếm hơn 95% tổng số các doanh nghiệp của Pháp); tình trạng suy thoái của cán cân thương mại của Pháp so với các nước châu Âu khác; quan niệm về “biên giới” – một yếu tố cấu thành chủ quyền quốc gia (Pháp vẫn tiếp tục coi “biên giới” là EU khi tiến hành phong tỏa trong khi các nước EU khác đóng cửa biên giới quốc gia); thách thức đối với sự độc lập của các ngành, lĩnh vực chiến lược và thiết yếu như hàng tiêu dùng hay công nghiệp thực phẩm, nguyên liệu thô; an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu; sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp khiến cho thị trường bị đe dọa và tính cạnh tranh tăng cao; chủ nghĩa thực dụng và lạm dụng chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia đối với doanh nghiệp quốc nội; trị ngoại pháp quyền của luật pháp các nước.
Các diễn giả đồng thời đã đề cập đến các khía cạnh của việc thu thập và phân tích dữ liệu. Nếu như trước đây các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dùng công cụ tìm kiếm cơ bản nhất là Google để tìm hiểu thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đối tác tiềm năng thì hiện tại, các doanh nghiệp cần tính đến việc sử dụng hiệu quả các công cụ trí tuệ nhân tạo và card đồ họa để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định. Thomas BINANT, nhà sáng lập Geotrend, đã đưa ra ví dụ tiêu biểu là phần mềm Corona Virus Search Engine để thu thập và phân tích tất cả thông tin liên quan đến tác động của cuộc khủng hoảng y tế trên toàn thế giới để tham khảo.
Dưới góc nhìn pháp lý, công cụ các doanh nghiệp có thể sử dụng là hệ thống đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và tên miền; việc công bố bắt buộc tài khoản doanh nghiệp; các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu (tham khảo các quy định của EU về bảo vệ dữ liệu năm 2018).
Các diễn giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
- Về phía các doanh nghiệp: cần định vị lại thị trường theo vùng thay vì theo quốc gia như trước đây; cần tổ chức các khóa đào tạo, có thể liên kết các doanh nghiệp để đào tạo về cách thức phân tích và xử lý thông tin đa chiều cũng như việc sử dụng các công cụ pháp lý; tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
- Về phía các cơ quan công quyền: cần hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách thiết lập hệ thống thông tin, xác định mức độ thông tin để cung cấp cho các doanh nghiệp theo hướng tiếp cận địa chính trị.
- Tăng cường vai trò của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Club des Exportateurs de France hay Business France trong việc tạo môi trường lành mạnh, tin tưởng lẫn nhau để các doanh nghiệp trao đổi với nhau, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)