Ngày 10/10, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức buổi hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tham dự buổi hội thảo có Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, quan chức cấp cao CII và cũng là Chủ tịch hội các công ty công nghệ cao (Hi-Tech Group) Deep Kapuria, các quan chức của tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đông đảo giới doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Kapuria nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ về chính trị, kinh tế và song phương rất bền chặt và hiện Ấn Độ đang là nhà đầu tư lớn thứ 25 ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Kapuria cho rằng các khoản đầu tư của hai nước vẫn còn thấp hơn so với kỳ vọng và tiềm năng. Mặc dù tỉnh Vĩnh Phúc đang là một điểm thu hút đầu tư lớn ở Việt Nam song cho đến nay, mới chỉ có 3 công ty của Ấn Độ, trong đó có công ty Minda Việt Nam hiện diện ở tỉnh này. Ông bày tỏ mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc tạo thêm nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh năm 2017 là năm đầy ý nghĩa trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ khi đây là năm đầu tiên hai nước thực hiện mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết trên cơ sở thỏa thuận về xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa hai nước cũng như những thỏa thuận song phương về thương mại, tránh đánh thuế hai lần, khoa học và công nghệ, năng lượng hạt nhân… bao trùm lên nhiều lĩnh vực, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng năm 2015, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng lên gần hai lần và trong năm 2016, FDI của Ấn Độ vào Việt Nam tăng 64% so với cuối năm 2015. Trong 8 tháng đầu năm nay, luồng vốn này đã đạt 98,7 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016.
Cho đến nay, tổng FDI của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 2,91 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 116 nước và vùng lãnh thổ có FDI ở Việt Nam và đầu tư của Ấn Độ có ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam với 152 dự án.
Ấn Độ hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 25 trong số 230 đối tác thương mại của Ấn Độ. Trong số 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ. Trong 8 tháng đầu năm 2017, thương mại song phương đã tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016 và nhiều khả năng sẽ đạt hơn 10 tỷ USD trong năm 2017.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng hội thảo đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc ngày hôm nay sẽ góp phần quan trọng làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược toàn diện cũng như quan hệ đầu tư giữa hai nước vì Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất của Việt Nam và đứng thứ 2 ở đồng bằng Bắc Bộ. Vĩnh Phúc là một điểm sáng về FDI và có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông và vận tải. Đại sứ bày tỏ hy vọng cuộc hội thảo lần này sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho các bên tham gia và sẽ thu hút được các nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Về phần mình, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh đến những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giao thông, về tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như những thủ tục hành chính về đầu tư đơn giản và nguồn lao động dồi dào. Tính đến hết tháng 9/2017, đã có 253 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,8 tỷ USD, trong đó Ấn Độ có 3 dự án đầu tư với tổng số vốn là 8 triệu USD.
Tuy nhiên, con số này còn chưa tương xứng với tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ cũng như lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc. Do đó, Vĩnh Phúc kêu gọi các nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện điện tử vốn là thế mạnh của tỉnh và vào các dự án công nghiệp sản xuất phần mềm, dược phẩm mà Ấn Độ có thế mạnh. Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư vào các dự án khu đô thị mới, khách sạn chất lượng cao, các tổ hợp du lịch sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, các dự án giáo dục-đào tạo, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế quốc tế, các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao như chăn nuôi, trồng rau, hoa, cây ăn quả gắn với cơ sở chế biến, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Trì hy vọng qua buổi hội thảo này, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp của Ấn Độ sẽ hiểu thêm về môi trường đầu tư, về đất nước Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc và sẽ đến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi hội thảo, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm tới môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, đồng thời chủ động tích cực tìm hiểu thêm thông tin về tiềm năng, thế mạnh cũng như những điều kiện ưu đãi của tỉnh Vĩnh Phúc./.
(ĐSQVN tại Ấn Độ)