Hội thảo “Triển vọng kinh tế – tài chính thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”

0
160

Chiều ngày 14 tháng 1 năm 2019 tại Hà Nội, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế – tài chính thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Nguyễn Văn Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Phạm Như Anh cùng với các nhà kinh tế, chuyên gia, nghiên cứu viên và đại diện các bộ, ngành.

Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho biết, mục đích tổ chức hội thảo là để trao đổi về tình hình kinh tế thế giới năm 2019, xác định các rủi ro và cơ hội, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam. Ông khẳng định, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để phục vụ cho công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Phạm Như Anh cho rằng, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua và đã được nhiều tổ chức xếp hạng tăng vị trí xếp hạng trong năm 2018. Bà cho biết, Standard Chartered là ngân hàng nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam và cam kết tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Nhận định về kinh tế thế giới, ông Edward Lee, Kinh tế trưởng của Standard Chartered cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt đỉnh và có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Ông cũng giới thiệu năm rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong năm nay, cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Brexit và chủ nghĩa dân tuý đang gia tăng tại châu Âu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và giá dầu thế giới tiếp tục biến động. Dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông Lee cho rằng tốc độ có thể đạt mức 3,6%, giảm nhẹ so với tốc độ năm 2018 là 3,8%, cho thấy kinh tế thế giới có thể sẽ gặp khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức khá cao.

Phát biểu về kinh tế Việt Nam, ông Chidu Narayanan, Nhà kinh tế về châu Á của ngân hàng Standard Chartered cho rằng, trong những năm qua kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt, năm sau đạt tốc độ nhanh hơn năm trước. Đại diện ngân hàng Standard Chartered nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể giảm so với năm 2018 nhưng mức giảm sẽ không nhiều. Năm 2018 là một năm tốt đối với kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7,08%, nhanh hơn rất nhiều các quốc gia khác ở châu Á. Đồng thời, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam duy trì ổn định trong năm, tăng đều trong cả bốn quý chứ không tăng giảm đột biến. Ông cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,9%, nhờ xuất khẩu dự báo tăng 10% và nguồn vốn FDI vẫn duy trì ở mức cao. Ông cũng cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nếu biết tận dụng các cơ hội để “thế chân” Trung Quốc tại thị trường Mỹ và tăng cường chất lượng hàng hoá để đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng đã trao đổi ý kiến, bình luận và phản biện các nhận định của các đại diện ngân hàng Standard Chartered. Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung chia sẻ các nhận định của Standard Chartered và cho rằng bối cảnh kinh tế năm 2019 thậm chí có thể thuận lợi hơn đối với Việt Nam, do lãi suất đồng USD dự báo không có nhiều biến động như năm ngoái và tác động của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Việt Nam dường như không lớn như dự kiến. Ông lưu ý tình hình chính trị ở châu Âu có thể ảnh hưởng tới kế hoạch thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhất là trong bối cảnh EU là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

TS.Võ Trí Thành cho rằng các bài trình bày của ngân hàng Standard Chartered về kinh tế thế giới có thể “hơi lạc quan” vì kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc đều đã giảm tốc trong quý 4 năm 2018, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc. Ông cũng cho rằng, cần lưu ý tới tình hình chính trị nội bộ của Mỹ để có thể dự đoán trước các quyết định của chính quyền Trump. GS. Nguyễn Mại thì cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ vẫn tiếp diễn và cuộc đình chiến hiện nay có thể không kéo dài do đây là cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng hơn là về thương mại. Theo ông, tác động của các yếu tố bên ngoài lên kinh tế Việt Nam là khá lớn và Chính phủ cần thận trọng và có những đối sách phù hợp. Ông cũng khuyến nghị, trên đà những chính sách đã triển khai năm 2018, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân trong năm 2019, tiếp tục tái cấu trúc kinh tế quốc danh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và giảm lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trao đổi sâu về các xu hướng lớn của kinh tế thế giới, các tác động đối với kinh tế Việt Nam, tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt và đồng tiền nội tệ, cũng như giải đáp các câu hỏi liên quan của các đại biểu./.

(Ban Quản trị Trang NGKT)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here