Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, “Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện chủ động hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.”
Chủ động hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ thêm một lần nữa khẳng định, qua hơn 30 năm Đổi mới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao thế vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong giai đoạn 1997-2017 nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục, GDP tăng gấp 8 lần, GDP năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD, đến 2017 ước đạt trên 220 tỷ USD, phấn đấu 2020 đạt 300 tỷ USD.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện. Từ đó đến nay, Việt Nam không chỉ thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ WTO mà còn chủ động đàm phán, tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết tiêu chuẩn cao (WTO +). Bên cạnh đó, với tư cách thành viên của các tổ chức quốc tế như WTO, ASEAN, APEC, ASEM…, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và đầy trách nhiệm vào các chương trình hợp tác quốc tế. Một trong những dấu ấn nổi bật là Việt Nam đã hai lần tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC, nhất là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa qua, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè thế giới và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hoà bình, thịnh vượng trong khu vực.
Thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia và của các doanh nghiệp được nâng lên, mở rộng thị trường, tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, tri thức, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, hội nhập cũng làm bộc lộ những điểm yếu, những bất cập của nền kinh tế. Đó là đổi mới trong nước chưa bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA của các doanh nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa trung ương và địa phương có lúc còn nhiều bất cập, khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả… Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2017 có rất nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa nằm trong nhóm ASEAN-4.
Tìm động lực cho giai đoạn phát triển mới
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 6 điểm trong hội nhập kinh tế của Việt Nam và mong muốn các phân tích, đánh giá sâu sắc về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, những trăn trở, băn khoăn của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp và sáng kiến, khuyến nghị trong trung và dài hạn để hội nhập kinh tế quốc tế thực sự là “động lực cho giai đoạn phát triển mới’.
Cụ thể, Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện rõ nhất là tại Hội nghị APEC vừa qua, Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” để kết nối các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới mục tiêu ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm. Cũng tại APEC 2017, cùng với Nhật Bản, Việt Nam và các nước thành viên khác đã ra Tuyên bố chung về triển khai để sớm ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP).
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Với việc thực hiện các cam kết hội nhập, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”, từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư quốc tế. Xóa bỏ các giấy phép con, rào cản, cắt giảm thủ tục,… giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình hành động cụ thể tại các Bộ, ngành, địa phương, cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.
Thứ tư, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các Hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các Hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.
Thứ năm, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thứ sáu, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.
Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam…
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự kiên định và đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.
Các Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, lao động, văn hóa xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế để công tác hội nhập được triển khai nhịp nhàng trong một kế hoạch tổng thể dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định vai trò, vị trí trọng tâm của hội nhập kinh tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, đưa đến sự chuyển biến của toàn bộ nền kinh tế.
Trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam rất cần quyết tâm cao và sự nỗ lực của tất cả Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân và Chính phủ Việt Nam mong nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế để tất cả chúng ta cùng nỗ lực, cùng chung tay và cùng thành công.
“Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để DN và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự kiên định và đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chu Văn