Hội nhập kinh tế ASEAN 2022: Những dấu ấn tích cực

0
758
Ảnh minh họa: Trong năm 2022, các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được kết quả tốt trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: Nikkei)

Trong năm 2022, dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của Campuchia, các mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy thịnh vượng, hội nhập kinh tế sâu rộng và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực. Campuchia cũng nỗ lực thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Ảnh minh họa: Trong năm 2022, các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được kết quả tốt trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: Nikkei)

Các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được kết quả tốt trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu của ASEAN, GDP của ASEAN vào năm 2021 đã vượt qua mức trước đại dịch và đạt 3,3 nghìn tỷ USD, trong khi năm 2022, GDP được dự đoán sẽ tăng 5%.

Năm qua, ASEAN tiếp tục chú ý đến quá trình phục hồi lấy con người làm trung tâm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quốc gia thành viên đã quyết định kéo dài hiệu lực của Bản ghi nhớ về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu cho đến tháng 11/2024. Văn bản này, được thông qua vào năm 2020, đảm bảo dòng chảy không bị cản trở của các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, cũng như hàng hóa liên quan đến sản xuất và phân phối vaccine, thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Năm 2021, thương mại hàng hóa của ASEAN đạt 3,34 nghìn tỷ USD, tăng từ 2,67 nghìn tỷ USD năm 2020 và dòng vốn FDI vào ASEAN tăng từ 122,4 tỷ USD năm 2020 lên 174,1 tỷ USD. Tuy nhiên để phát triển trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi công nghệ và biến đổi khí hậu, ASEAN cần cải thiện hệ thống chính sách của mình.

Vào tháng 3, các cuộc đàm phán để nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được khởi động. ASEAN cũng đang nỗ lực nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác đối thoại. Một kết quả tích cực có thể kể đến là việc kết thúc đàm phán FTA ASEAN-Australia-New Zealand để hiệp định này trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp, giảm chi phí và thời gian cho thương mại, bao gồm các dịch vụ giáo dục và công nghệ kỹ thuật số, đồng thời làm thông suốt dòng hàng hóa thiết yếu trong các cuộc khủng hoảng.

Một thành tựu khác là việc khởi động đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), một FTA lâu đời nhất của ASEAN với các đối tác đối thoại. FTA này sẽ hướng tới tương lai hơn bằng cách thúc đẩy nền kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối chuỗi cung ứng, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khối lượng thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, kết quả đạt được về nâng cấp ACFTA sẽ rất quan trọng đối với cả hai bên.

Bên cạnh đó, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, RCEP được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế và phục hồi cho ASEAN. Tại các hội nghị cấp cao của ASEAN trong năm qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đều khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nhưng cơ hội mà RCEP mang lại cho khu vực.

Xuyên suốt năm qua, lĩnh vực kết nối cũng được ASEAN nhấn mạnh thông qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo về Chương trình nghị sự kết nối khu vực sau năm 2025. Ý tưởng nhằm tiếp cận toàn diện, liên ngành để thúc đẩy giao lưu nhân dân, đổi mới và chuyển đổi công nghiệp, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như kết nối các doanh nhân nữ. Chương trình này cũng hướng đến mục đích thu hẹp khoảng cách trong phát triển trong Hiệp hội.

Trong bối cảnh chính trị và kinh tế đang thay đổi, các chuyên gia đã dự đoán những bước phát triển tiếp theo của ASEAN với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), theo đó ASEAN vẫn giữ vững được vai trò trung tâm của mình.

Mặc dù trong năm 2022 ASEAN đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, trước những diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu, ASEAN cần đẩy nhanh các nỗ lực chung của mình trong việc tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, để duy trì khả năng cạnh tranh và thu hút FDI. Về lâu dài, những nỗ lực này sẽ rất quan trọng để ASEAN duy trì vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế của khu vực.

Hà Phương (theo East Asia Forum)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here