Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện 
Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về Ngoại giao kinh tế đến năm 2030

0
276
(Vụ THKT)
(Vụ THKT)

Chiều tối ngày 09/3/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về Ngoại giao kinh tế đến năm 2030.

(Vụ THKT)

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Chủ tịch, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp chủ chốt.

(Vụ THKT)

Hội nghị đã lắng nghe 18 ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, thể hiện quan tâm hiểu biết sâu sắc của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, trưởng Cơ quan đại diện tại nước ngoài, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, trên tinh thần chia sẻ, đồng hành vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

(Vụ THKT)

Trong đó, trình bày báo cáo trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 đã bám sát các trọng tâm điều hành của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kiến nghị sáu trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023, gồm tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của Lãnh đạo Cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học – công nghệ… với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.

(Vụ THKT)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhận định, thời gian qua, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã đi đúng và trúng hướng, được triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thực chất, trong đó có hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao vaccine là một điểm sáng, cùng với ngoại giao hợp tác phát triển, ngoại giao phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đặc biệt, ngoại giao kinh tế đã chủ động, linh hoạt chuyển trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, có những bước chuyển biến mạnh mẽ và nhiều đóng góp quan trọng. Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các nỗ lực và kết quả của ngành Ngoại giao, các nhà ngoại giao, các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao kinh tế thời gian qua.

(Vụ THKT)

Từ những kết quả nêu trên, Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, trước các vấn đề toàn cầu, như các vấn đề phòng chống dịch COVID-19, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…. phải có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; với các vấn đề toàn dân, phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm chủ của Nhân dân; bám sát đường lối, chủ trương, chính sách triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng như Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn quốc tế và trong nước, chủ động trong mọi tình huống, kiên trì đường lối đối ngoại, giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc nhưng phải uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện các mục tiêu đã xác định. Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; giữa ngoại giao kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, khoa học – công nghệ…; giữa song phương và đa phương.

(Vụ THKT)

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư là văn bản quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư. Trong đó, xác định phương châm “Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước” và đề ra 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về ngoại giao kinh tế từ nay đến năm 2026.

(Vụ THKT)

Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo triển khai công tác ngoại giao kinh tế cần bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế; tiếp tục phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre”, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu.Việc triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế năm 2023 phải gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ khác, gồm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các nhiệm vụ hằng năm, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, việc thực hiện các mục tiêu phát triển tới năm 2030, 2045…

Về các trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần phải tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa các cân đối vĩ mô của nền kinh tế; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Tận dụng hiệu quả các mạng lưới FTA đã có, mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; khẩn trương thúc đẩy ký kết FTA với Israel. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ thu hút đầu tư chất lượng cao, có chọn lọc, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, trên cơ sở bảo đảm yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Để thu hút đầu tư, Thủ tướng đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm vững, truyền tải thông điệp về đường lối phát triển, đối ngoại, hội nhập và hình ảnh về đất nước, con người Việt NamTiếp tục thúc đẩy các ngành kinh tế đối ngoại, nhất là du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động, tận dụng xu hướng mở cửa trở lại của các nước đối tác và nhu cầu lao động tại một số thị trường. Tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tiếp tục vận động các đối tác ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; tăng cường hợp tác công – tư (PPP); hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, vốn, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

(Vụ THKT)

Lắng nghe các ý kiến với các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc cụ thể, Thủ tướng giao các cơ quan khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ liên quan tới triển khai visa điện tử, thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng “Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xuất cảnh, nhập cảnh… để thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế.

Sau Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Chỉ thị 15 và Chương trình hành động của Chính phủ, gắn với các định hướng phát triển kinh tế – xã hội cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương.

(Vụ THKT)

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, doanh nghiệp, công tác ngoại giao kinh tế sẽ được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo hơn và tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

(Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here