Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020

0
80
(Ảnh: Báo Chính phủ/Quang Hiếu)

Ngày 09/5/2020, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” dưới hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị, cùng dự có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo cùng với đại diện một số đơn vị trong Bộ đã tham dự trực tuyến Hội nghị.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam như “lò xo bị nén lại” do dịch Covid-19, Hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp để xây dựng chính sách hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh doanh sản xuất. Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh các biện pháp phải thiết thực và cụ thể, phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo “hình chữ V, không phải hình chữ U hay chữ W”.

(Ảnh: Báo Chính phủ/Quang Hiếu)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đến dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, các thách thức và khó khăn mà doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp phải cũng như thời cơ và cơ hội phát triển kinh doanh. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra những định hướng phát triển trong thời gian tới; đồng thời, thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung sức cùng Chính phủ tìm các giải pháp sáng tạo và cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, chủ động thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tận dụng các FTAs thế hệ mới để mở rộng thị trường và tham gia các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày báo cáo về tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp về cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp. Với khó khăn hiện tại về mặt thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch VCCI đề xuất đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và đề nghị thành lập cơ chế hoạt động để thúc đẩy chương trình được hiệu quả.

Về phía các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, khó khăn mà phần lớn các doanh nghiệp đang gặp phải là về nguồn lực tài chính. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đề xuất nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng và giảm các tiêu chí đấu thầu để các DNNVV có thể tham gia để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án; đồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đến hết năm 2020. Các Hiệp hội ngành hàng như thủy sản và dệt may cũng đề nghị Chính phủ có các chính sách mở rộng hạn mức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hạ tầng k thuật, cơ sở vật chất, nâng cao trình độ công nghệ và sớm có các hướng dẫn về các Hiệp định thương mại tự do mới như EVFTA để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tận dụng thời cơ ngay khi các hiệp định có hiệu lực. Đại diện ngành du lịch nhận định đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh quảng bá Việt Nam là một điểm đến an toàn, đề xuất thực hiện chiến dịch truyền thông tới các thị trường đã kiểm soát tốt dịch tại khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; đồng thời tập trung vào thị trường trong nước, hình thành tam giác phát triển du lịch như Hà Nội-Ninh Bình-Quảng Ninh, Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam,…

Trong khi đó, các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài đều nhận định việc Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài về một thị trường Việt Nam an toàn vừa ổn định về xã hội, chính trị, kinh tế vừa hấp dẫn và cạnh tranh về kinh doanh. Hiệp hội các Doanh nghiệp nước ngoài đều đồng lòng cam kết cùng Chính phủ Việt Nam hồi phục kinh tế, tăng cường thương mại với các đối tác trên thế giới, hỗ trợ thu hút FDI đến Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài hi vọng Chính phủ Việt Nam sớm mở lại đường bay với các nước cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và tạo thuận lợi về thủ tục visa cho các lao động và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Phản hồi lại các ý kiến từ phía doanh nghiệp, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo về các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao báo cáo về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Trong khi Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp bám sát các nội dung thuế như giảm thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi biểu thuế xuất nhập khẩu và giải ngân vốn đầu tư công thì Ngân hàng Nhà nước đảm bảo điều hành các chính sách tiền tệ hợp lý, ổn định tỉ giá và cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế; Bộ Công Thương cũng đề xuất ưu tiên các nhiệm vụ vừa phát triển thị trường trong nước, vừa khai thác các FTAs để thu hút đầu tư, xây dựng các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ và chế tạo. Bộ Công an đảm bảo vừa tăng cường an ninh trật tự vừa thực hiện các thủ tục nhập cảnh nhanh chóng, an toàn đồng thời hỗ trợ các lao động nước ngoài đã hết thị thực làm việc tại các doanh nghiệp.  Đại diện các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng cũng đưa ra các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, các gói hỗ trợ, phát triển khoa học công nghệ và tập trung đào tạo nguồn nhân lực.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo các chính sách về tài khóa, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, có điều chỉnh phù hợp về lãi suất, nhóm vay, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics để hỗ trợ và chia sẻ cùng doanh nghiệp sớm vượt qua các khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tận dụng các thời cơ để tập trung phát triển kinh tế đạt được mục tiêu phát triển trong năm nay và các năm tiếp theo.

(Lương Quỳnh Trang-Vụ THKT)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here