Thực hiện kế hoạch công tác năm 2020 về hỗ trợ các địa phương tăng cường kết nối hợp tác với các đối tác nước ngoài chủ chốt; tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời triển khai kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” – (Meet Japan 2020).
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” nằm trong chuỗi các hoạt động quy mô do Bộ Ngoại giao tổ chức thường xuyên trong và ngoài nước những năm qua nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp các địa phương Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung tăng cường kết nối, hợp tác thực chất với các đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng của Việt Nam trên thế giới.
Điểm sáng của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong hợp tác hai nước.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất với tổng số vốn ODA lũy kế đạt khoảng 31 tỷ USD; là nhà đầu tư lớn thứ hai với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến tháng 8/2020 đạt hơn 60,2 tỷ USD với hơn 4.500 dự án còn hiệu lực; là đối tác thương mại lớn thứ 4 với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt gần 40 tỷ USD; là đối tác du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng lượng khách thăm lẫn nhau trong năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu lượt.
Cùng với xu thế phát triển chung của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Nhật, giao lưu, hợp tác giữa địa phương hai nước thời gian qua phát triển mạnh mẽ, thực chất và trở thành điểm sáng của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Các địa phương hai nước đã ký hơn 70 văn bản hợp tác. Cùng với đó, giao lưu, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo địa phương hai nước diễn ra sôi động. Giao lưu, hợp tác cấp địa phương phát triển nhanh chóng và ngày càng đi vào chiều sâu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Thứ trưởng Thường trực khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản coi việc hỗ trợ các địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác Nhật Bản là nhiệm vụ quan trọng.
Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ 15-20 đoàn Lãnh đạo đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thăm làm việc tại Nhật Bản, trong đó có hơn 10 địa phương trực tiếp tham gia chương trình Quảng bá Địa phương Việt Nam tại Nhật Bản những năm qua như: Bạc Liêu, Bình Định, Đắk Lắk, Hà Giang, Hậu Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Yên Bái…
Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” thường niên từ năm 2017 tại Khánh Hòa, Cần Thơ, Nghệ An, Đắk Lắk để hỗ trợ kết nối 34 tỉnh, thành phố các khu vực Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên với Đại sứ quán và các cơ quan đối tác quan trọng của Nhật Bản. Trên cơ sở các chương trình kết nối đó, nhiều dự án hợp tác Việt-Nhật thiết thực đã được thúc đẩy.
Thứ trưởng Thường trực cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế hai nước hiện nay có tính bổ sung cho nhau, dư địa cho hợp tác, giao lưu giữa địa phương hai nước vẫn còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và du lịch.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao với các đơn vị chức năng và các cơ quan đại diện tại Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực phối hợp hỗ trợ các địa phương Việt Nam tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu hữu nghị hợp tác với các đối tác Nhật Bản bằng nhiều hình thức.
Nơi bàn ý tưởng hợp tác cụ thể, thiết thực cho thời kỳ hợp tác mới
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định, đây là cơ hội trao đổi trực tiếp quan trọng để hai bên chia sẻ những kết quả hợp tác cần phát huy, những vướng mắc cần tháo gỡ và đặc biệt là những ý tưởng hợp tác cụ thể, thiết thực cho thời kỳ hợp tác mới.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản cũng đang hỗ trợ các công ty chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và vì thế Việt Nam lại càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty Nhật Bản.
Hiện nay, Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có 3 cơ sở đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với số lượng thành viên khoảng 2.000 công ty, nhiều nhất Đông Nam Á. Vì vậy, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rất mong “các vị lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội làm nóng hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, tích cực thu hút các công ty Nhật Bản”.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam lưu ý, khi lựa chọn địa điểm đến đầu tư, các công ty Nhật Bản rất coi trọng: Thứ nhất là môi trường đầu tư. Cụ thể, trước hết là cơ sở hạ tầng như điện nước, thủ tục đầu tư đơn giản, rõ ràng, dễ dàng có được nguồn nguyên liệu sản xuất.
Thủ tục đăng ký đầu tư cần được qui về một mối, có thông báo rõ ràng về quy trình thủ tục, đặc biệt việc đặt bàn tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
Thứ hai là việc đảm bảo được nguồn nhân lực biết tiếng Nhật. “Để tiến hành các hoạt động kinh tế thì năng lực giao tiếp là rất quan trọng. Đối với các công ty Nhật Bản thì việc bảo đảm được nguồn nhân lực biết tiếng Nhật sẽ là yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư”, Đại sứ nói.
Vì vậy, Đại sứ mong nhận được sự hợp tác giữa các địa phương Nhật Bản và các tỉnh, thành của Việt Nam sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa và kỳ vọng rằng Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản lần này sẽ là bước đầu tiên trong việc nối lại các hoạt động giao lưu giữa các địa phương hai nước trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ – Bộ Ngoại giao cho rằng “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” thể hiện tâm huyết của Bộ Ngoại giao trong việc đồng hành và hỗ trợ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương, mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế.
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho quan hệ cấp địa phương giữa Việt Nam và Nhật Bản bước vào một giai đoạn mới, ở tầm cao mới; tạo điều kiện để Lãnh đạo và doanh nghiệp các địa phương Việt Nam kết nối trực tiếp với Đại sứ quán và các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản nhằm trao đổi sâu sắc, cụ thể về nhu cầu và những ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên, để phối hợp hiệu quả trong xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác, phát triển của mình trong thời gian tới.
Chu Văn