Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) kêu gọi các nước tạo điều kiện cho chu chuyển dữ liệu số để mang lại lợi ích cho tất cả

0
88
(minh hoạ)
(minh hoạ)

UNCTAD mới đây đã công bố Báo cáo Kinh tế kỹ thuật số năm 2021[1], trong đó nhấn mạnh, thế giới cần có cách tiếp cận quản trị toàn cầu mới để cho phép dữ liệu số chu chuyển qua biên giới một cách tự do nhất có thể.

Báo cáo này của UNCTAD cho biết, dữ liệu số ngày càng đóng vai trò quan trọng là nguồn tài nguyên kinh tế và chiến lược, và càng quan trọng hơn bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch đã cho thấy việc chia sẻ dữ liệu y tế trên toàn cầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp các quốc gia đối phó với hậu quả của đại dịch và phục vụ mục đích nghiên cứu phát triển vắc xin một cách nhanh chóng.

Thế giới hiện nay có các cách tiếp cận khác nhau đối với quản trị dữ liệu, đặc biệt dẫn đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU). Cách tiếp cận của Hoa Kỳ tập trung vào việc khu vực tư nhân kiểm soát dữ liệu, mô hình của Trung Quốc nhấn mạnh việc Chính phủ kiểm soát dữ liệu, trong khi EU ủng hộ quyền của các cá nhân về kiểm soát dữ liệu, dựa trên các quyền và giá trị cơ bản.

Trong khi dữ liệu được chú ý nhiều hơn ở cấp độ quốc tế, cuộc tranh luận quốc tế về việc quản lý các luồng dữ liệu xuyên biên giới đang đi vào bế tắc do quan điểm và lập trường khác nhau về quy định quản lý dữ liệu. Báo cáo của UNCTAD cho biết các khuôn khổ quy định khu vực và quốc tế hiện tại có xu hướng quá hẹp về phạm vi hoặc quá hạn chế về mặt địa lý. Báo cáo cảnh báo rằng sự chia rẽ dữ liệu đang xuất hiện khi nền kinh tế số dựa trên dữ liệu phát triển, dẫn đến việc nhiều nước đang phát triển trở thành những nhà cung cấp đơn thuần.

Việc không có khuôn khổ quản trị dữ liệu toàn cầu làm cản trở khả năng thu lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số của các quốc gia. Nó cũng cản trở khả năng của các nước trong việc bảo vệ quyền riêng tư của mọi người từ việc sử dụng dữ liệu của cả khu vực tư nhân và chính phủ cũng như giải quyết các mối quan ngại liên quan đến việc thực thi pháp luật và an ninh quốc gia.

Báo cáo của UNCTAD đề xuất thành lập một cơ quan điều phối mới của Liên hợp quốc mang tính đa phương, đa bên và đa ngành, tập trung vào các kỹ năng để đánh giá và phát triển quản trị dữ liệu và kỹ thuật số toàn cầu, đồng thời tìm cách khắc phục tình trạng thiếu đại diện hiện tại của các nước đang phát triển trong các sáng kiến ​​quản trị dữ liệu toàn cầu và khu vực. Cơ quan này cũng phải thực hiện chức năng bổ sung và gắn kết với các chính sách quốc gia và cung cấp đủ không gian chính sách để đảm bảo các quốc gia có mức độ sẵn sàng và năng lực số khác nhau có thể hưởng lợi từ nền kinh tế số dựa trên dữ liệu.

Theo Báo cáo này, cách tiếp cận mới sẽ cho phép các quốc gia khai thác tốt hơn dữ liệu như một hàng hóa công cộng toàn cầu, thống nhất về các quyền và nguyên tắc, phát triển các tiêu chuẩn và tăng cường hợp tác quốc tế, và giảm sự không chắc chắn trong nền kinh tế số. Nó cũng giúp tối đa hóa lợi ích của phát triển, đảm bảo những lợi ích đó được phân phối công bằng và giảm thiểu rủi ro và tác hại. Hệ thống toàn cầu mới cũng sẽ giúp tránh sự phân mảnh hơn nữa của Internet, giải quyết các thách thức chính sách xuất hiện từ vị trí thống trị của các nền tảng kỹ thuật số và thu hẹp sự bất bình đẳng hiện có.

[1] Xem toàn văn báo cáo tại địa chỉ: https://unctad.org/system/files/official-document/der2021_en.pdf

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here