Hội nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo

0
6
(VGP)

Chiều ngày 12/12/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo. Cùng dự Hội nghị với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An… và Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đến nay, chúng ta xác định có thể hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP khoảng hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng khoảng 8%.

Chỉ số tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo tổng GDP toàn xã hội, GDP bình quân đầu người, tăng năng suất lao động và nhiều chỉ số khác. Thực tiễn cho thấy mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GDP cần khoảng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng điện năng.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, có những điểm sáng, bài học kinh nghiệm trong phát triển điện, như việc triển khai thần tốc đường dây 500 kV mạch 3 nhanh nhất, chất lượng tốt và không đội vốn.

Song bên cạnh đó, có những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng. Nguồn lực này cũng rất lớn, cần nhanh chóng triển khai đưa vào khai thác sử dụng trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, chống lãng phí như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện. Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII , cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo có những điểm mới, những vấn đề phức tạp, có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió triển khai nhanh, có tích cực nhưng cũng có khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm.

Thủ tướng cho rằng, các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể; cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng; hệ luỵ có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản, các doanh nghiệp, người dân mất tiền bạc, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

Không hợp thức hoá cho người làm sai nhưng phải có giải pháp để không lãng phí nguồn lực xã hội

Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Ngày 7/12/2024, Chính phủ đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không hợp thức hoá những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đã lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ.

“Chính phủ quyết định triệu tập hội nghị hôm nay với các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để thống nhất quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp, chất lượng, mục tiêu, lộ trình, trên cơ sở đó cùng nhau giải quyết. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu. Chính phủ ra chủ trương tháo gỡ, các địa phương phải cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không ai phải chạy chọt gì cả. Đặc biệt nghiêm cấm việc chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải đi xử lý, mất người, mất của, mất thời gian, mất niềm tin, mất cơ hội. Nếu ai chạy chọt thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm”, Thủ tướng chỉ đạo.

Báo cáo triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 về “Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” và Kết luận số 97-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 10, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo (Quyết định 1250/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án) và Tổ Công tác bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Công Thương, Công an, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất và ý kiến đồng thuận của các Bộ, cơ quan liên quan và 27 địa phương tại hội nghị ngày 19/10/2024 (về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì tại Nha Trang tỉnh Khánh Hòa), Ban chỉ đạo và Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi thảo luận về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tổng hợp ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành địa phương về việc xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương, phương hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 5001/VPCP-CN ngày 6/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương thay mặt Tổ công tác đã có Báo cáo số 1070/BC-BCT ngày 7/12/2024 gửi Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Trước đó, tại phiên họp Chính phú thường kỳ tháng 11 ngày 7/12/2024, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, với các nội dung: về Các sai phạm, vướng mắc; về Quan điểm, giải pháp, nguyên tắc, thẩm quyền, giải quyết…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Liên quan đến các sai phạm, vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo. Nhờ đó, việc phát triển điện năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy, đạt được những kết quả nhất định. Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện.

“Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể tại Kết luận số 1027. Các sai phạm chủ yếu như: Hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; Công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận; Chồng lấn quy hoạch khoáng sản…

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ tuân thủ 6 quan điểm:

Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư, góp phần thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại COP 26, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực bên ngoài.

Thứ hai, lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế – xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư.

Thứ ba, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vụ án đã khởi tổ. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp phát hiện vi phạm, tham nhũng thì tiếp tục xử lý nghiêm.

Thứ tư, thống nhất quan điểm xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng khi không thể xử lý các vi phạm, vướng mắc bằng các giải pháp kinh tế; nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả hoặc không phát hiện hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.

Thứ năm, Không hợp pháp hóa để miễn trừ xử lý cho các hành vi tham nhũng, các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức đã gây ra thiệt hại. Không làm phát sinh sai phạm mới. Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Thứ sáu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình theo quy định pháp luật.

Tại hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cụ thể:

Một là, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Hai là, đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Ba là, đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng… thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù họp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch).

Bốn là, đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Năm là, đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại thì yêu cầu các chủ đầu tư cần: Thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định; Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện và thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.

Sáu là, đối với đối tượng được nêu tại mục (4) và (5) nêu trên, cơ quan có thấm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án dựa trên hai nguyên tắc: Thứ nhất, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp ngành, địa phương nào thì cơ quan cấp, ngành địa phương đó giải quyết; nếu vượt thẩm quyền báo cáo cấp cao hơn, có thẩm quyền. Thứ hai, đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phụ các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật.​

Ngay sau báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại diện các tỉnh, thành phố cùng các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao các chủ trương, giải pháp, cảm ơn Chính phủ và các ý kiến đề xuất “có lý, có tình” của Bộ Công Thương và các bộ, ngành; mong muốn quá trình triển khai tiếp tục được hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các chủ trương, giải pháp mà Bộ Công Thương đề xuất; Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm.

(Khánh An/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here