Học giả Trung Quốc: Quốc gia hay doanh nghiệp sẽ dẫn dắt thế giới hậu dịch Covid-19?

0
80
(Getty)
(Getty)

Giáo sư Vương Văn, Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu trao đổi nhân văn Trung-Mỹ, có bài viết “Quốc gia hay doanh nghiệp sẽ dẫn dắt thế giới hậu dịch Covid-19” với một số nội dung chính sau:

Đại dịch Covid-19 đang phá vỡ hệ thống quản trị toàn cầu; cấu trúc quyền lực quốc tế tiếp tục bị phân tán, phân tầng và khu vực hóa. Như đã đề cập trong một bài báo do tác giả viết, kỷ nguyên toàn cầu hóa do một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia thống trị đã qua. Trật tự quốc tế không còn bị chi phối bởi G2, G7 hoặc G20, mà thay vào đó, có rất nhiều lực lượng tác động hoặc ảnh hưởng đối với các vấn đề toàn cầu ở các mức độ khác nhau. Nói cách khác, quyền lực không chỉ giới hạn ở các cường quốc truyền thống, mà giờ đây các cường quốc khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính, các tập đoàn đa quốc gia, các nhân vật dẫn dắt dư luận, các tổ chức tư vấn, truyền thông, v.v…, tạo thành một mạng lưới quyền lực quốc tế chồng chéo, phá vỡ quyền sở hữu về quyền lực toàn cầu, phá vỡ sở hữu về chủ quyền, làm suy yếu cấu trúc chính trị truyền thống. Toàn cầu hóa đặt ra trạng thái mới, phức tạp hơn so với trước đây, trong đó quan trọng nhất là sự trỗi dậy của các công ty đa quốc gia (MNC).

Sự nổi lên của các MNC có thể là hình ảnh tương phản với nỗi kinh hoàng và cảm xúc tiêu cực mà mọi người đã trải qua trong 8 tháng qua. Đại dịch Covid-19 gây nhiều áp lực lên chính phủ các nước, nhiều quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế, tiến thoái lưỡng nan về chính trị và hỗn loạn xã hội, nhưng hầu hết các MNC lớn đều được hưởng lợi.

Năm 2020, hơn 80% trong số 100 công ty hàng đầu thế giới (theo giá trị vốn hóa thị trường) có xu hướng tăng trưởng; 10 công ty top đầu sẽ có mức tăng trưởng hơn 20%. Lấy ví dụ, tại thời điểm ngày 17/9/2020, giá trị thị trường của Apple là 1,9 nghìn tỷ USD, tăng 210% so với 896 tỷ USD của năm 2019; Microsoft là 1,55 nghìn tỷ USD, tăng 165% so với 905 tỷ USD của năm 2019. Xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục.

Ngược lại, GDP của các quốc gia là một câu chuyện khác. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do IMF công bố vào cuối tháng 6/2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 dự kiến ​​là -4,9% (tiêu cực hơn so với dự báo trước đó là -3%); tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ là -8,0% (so với dự báo trước đó là -5,9%); tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực là -10,2% (so với kỳ vọng trước đó là -7,5%). Trong năm 2020, ngoại trừ một số quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam, hơn 170 quốc gia sẽ tăng trưởng âm.

Không thể phủ nhận rằng cuộc khủng hoảng nhân loại lớn nhất kể từ năm 1945 đã dẫn đến sự phân hóa tăng trưởng kinh tế theo hình chữ K. Ngành tài chính, 5 gã khổng lồ công nghệ lớn của Mỹ (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google/Alphabet – FAANG), logistics, hàng tiêu dùng nhanh và giáo dục trực tuyến đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt; trong khi đó lợi nhuận ngành du lịch giảm 79% vào năm 2020. Hàng xa xỉ (bao gồm mỹ phẩm, phụ kiện), giải trí và thể thao tiếp tục lao dốc.

Thật không may, với tư cách là một tổ chức, quốc gia nằm ở nửa dưới của hình chữ K. Thương mại toàn cầu đã bị thu hẹp nghiêm trọng, giảm từ 13 đến 32% trong năm 2020 theo dự báo của WTO. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của các quốc gia khác nhau sẽ ở dưới mức 50% trong một thời gian dài.

Một vấn đề hoàn toàn mới mà chúng ta phải nghĩ đến đó là trong thời kỳ khủng hoảng, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp có thể tốt hơn quốc gia. Có ít nhất 3 công ty có bề dày lịch sử hơn 1.000 năm trong lịch sử nhân loại, đó là Nishiyama Hot Spring Keunkan ở Nhật Bản thành lập năm 705, nhà hàng Stiftskeller ở Salzburg, Áo thành lập năm 803 và nhà hàng Ailen Aspen, bắt đầu từ năm 900 sau Công nguyên. Có vô số công ty có lịch sử hàng trăm năm và nhiều doanh nghiệp gia đình có lịch sử hơn 200 năm.

Nhưng hãy tưởng tượng, có bao nhiêu quốc gia hơn 500 năm tuổi? Còn những chính phủ hơn 200 năm tuổi? Có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Giới học thuật đã chú ý đến sự phá sản của các công ty và sự thăng trầm của quốc gia, các cuộc thảo luận được chia thành nhiều lĩnh vực. Giới kinh doanh quan tâm nhiều hơn đến hoạt động, thành bại của các công ty; trong khi giới khoa học chính trị quốc tế đang thảo luận về sự thăng trầm của quốc gia. Nhưng dường như chưa ai thảo luận về công ty và quốc gia như là hình thức tổ chức của nền văn minh nhân loại. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của nhân loại?

Công ty xuất hiện muộn hơn quốc gia nhưng sức sống của công ty trong tương lai ngày càng mạnh mẽ. Hiện tại, giá trị thị trường của các MNC hàng đầu thế giới vượt xa quy mô kinh tế của hầu hết các quốc gia, và giá trị thị trường của 5 MNC hàng đầu thế giới có thể được xếp vào top 20 quốc gia có GDP lớn nhất thế giới.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi toàn cầu hóa thúc đẩy sự “phân mảnh” các quốc gia. Năm 1945, Liên hợp quốc chỉ có 51 quốc gia thành viên, đến năm 2009 con số này đã lên tới 192. Đến nay, trên thế giới có hơn 200 quốc gia hoặc các chủ thể quốc tế tự xưng là “quốc gia” nhưng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc cách mạng thông tin, sự truyền bá văn hóa và hệ tư tưởng xuyên quốc gia, và sự phát triển của mạng lưới vận tải biển đã giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách vật lý giữa con người với các quốc gia, nhưng sự chia cắt quốc gia vẫn tiếp diễn. Trong 30 năm qua, Liên Xô, Nam Tư, Sudan, Tiệp Khắc và Ukraine đều bị tan rã. Làn sóng tiếp theo có thể bao gồm Anh, Tây Ban Nha và thậm chí cả Mỹ cũng có những lời kêu gọi độc lập.

Khoảng 90 quốc gia có dân số dưới 5 triệu người và khoảng 30 quốc gia có dân số dưới 500.000 người. Hầu hết các quốc gia siêu nhỏ như Luxembourg, Seychelles và Dominica có quy mô nền kinh tế tương đương một công ty nhỏ.

Rõ ràng, các công ty sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, và các quốc gia sẽ trở nên phân mảnh hơn. Thông qua sáp nhập, tổ chức lại và đầu tư, hiện đã có những công ty có giá trị thị trường hơn 2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Có thể hình dung rằng giá trị thị trường của công ty lớn nhất thế giới sẽ vượt quá GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Và những quốc gia nhỏ đó có nguy cơ bị kiểm soát bởi các công ty.

Cần đào sâu suy nghĩ về vấn đề này. Qua đại dịch có thể thấy rằng trong giai đoạn khủng hoảng, tốc độ điều chỉnh và cải tổ doanh nghiệp nhanh hơn đáng kể so với quốc gia. Trong thời bình, các công ty cũng năng động hơn quốc gia. Tất nhiên, sự cạnh tranh của công ty là rất khốc liệt và tốc độ đổi mới nhanh hơn so với quốc gia.

Hơn 200 năm trước, nhà tư tưởng người Pháp Rousseau đã nghĩ về “sự diệt vong của quốc gia”, sau đó, Karl Marx tin rằng cuối cùng cả quốc gia và giai cấp đều bị diệt vong. 20 năm trước, các học giả về quan hệ quốc tế như Alexander Wendt đã thảo luận về “Quốc gia có giống với con người không?” Hàm ý là quốc gia liệu có trải qua sinh, lão, bệnh, tử giống như con người? Hiện nay xem ra đất nước cũng có tuổi thọ. Tuổi thọ của Liên Xô chỉ 69 năm và của Nam Tư chỉ 74 năm.

Từ góc độ này, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy mọi người tư duy về các mô hình quản trị tổ chức. Về lý thuyết, hầu hết các công ty thực hiện hệ thống quản trị cổ đông và chế độ đánh giá theo hiệu quả công việc. Ai có nhiều vốn sở hữu và có năng lực quản lý tốt sẽ được bầu bởi các cổ đông để quản lý công ty. Hầu hết các quốc gia, được thúc đẩy bởi chế độ bầu cử dân chủ phương Tây hơn 200 năm trước, đã trở thành một hệ thống quản trị quyền lực bình đẳng và đánh giá theo nguyên tắc của chủ nghĩa dân túy. Ai được nhiều phiếu bầu, người đó có thể là người đứng đầu đất nước, và thông thường cần tuân thủ quy trình, thủ tục trước, sau đó mới xét đến tốt hay xấu.

Về số lượng, có nhiều công ty tốt, nhưng ngày càng ít quốc gia tốt. So sánh công ty với quốc gia chắc chắn là một chủ đề mới, và cũng là chủ đề gây tranh cãi. Nhưng có một điều không cần bàn cãi, đó là đại dịch Covid-19 thôi thúc chúng ta suy nghĩ về mô hình quản trị nhân loại mới, lịch sử là bắt đầu chứ không phải là kết thúc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here