Học giả Trung Quốc: 3 thách thức và 3 cơ hội trong quan hệ Trung-Nhật

0
170
(Internet)
(Internet)
Ban Quản trị Trang NGKT gửi tới Quý độc giả một số nội dung tóm tắt bài viết của ông Lã Diệu Đông, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và ông Tạ Nhược Sơ, nghiên cứu viên Khoa chính trị quốc tế Học viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc:
Trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 24-25/11/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Thủ tướng Suga Yoshihide, gặp gỡ một số quan chức cấp cao khác của Nhật Bản. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều bất ổn, hợp tác kinh tế và thương mại khu vực đạt tiến triển to lớn, quá trình chuyển giao quyền lực chưa kết thúc tại Mỹ, đây là cuộc trao đổi trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản kể từ khi Nội các mới Nhật Bản được thành lập vào tháng 9/2020. Hai bên tái khẳng định nền tảng chiến lược ổn định quan hệ Trung-Nhật, đạt được 5 nhận thức chung quan trọng và 6 kết quả cụ thể. Trong tương lai quan hệ Trung-Nhật liệu có tiếp tục được cải thiện và phát triển hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn chính trị của cả hai bên.
Về tổng thể, quan hệ Trung-Nhật tồn tại 3 thách thức và 3 cơ hội sau:
(i) Vẫn còn thiếu sự tin tưởng chiến lược giữa hai nước:
“Nội các Suga” mặc dù đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ song phương Trung-Nhật ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển quan hệ song phương với các nước khác, Nhật luôn có những hành động nhằm vào Trung Quốc. Ví dụ, vào ngày 17/11/2020, Nhật Bản và Australia về cơ bản đã đạt được thỏa thuận về việc ký kết “Thỏa thuận tiếp cận qua lại” (RAA) và cố gắng xây dựng “liên minh bán quân sự” Nhật-Australia với mục tiêu là Trung Quốc; Nhật còn cài thêm nội dung chỉ trích Trung Quốc trong Tuyên bố chung cấp cao Nhật-Australia về các vấn đề liên quan đến Nam Hải (biển Đông), Đông Hải, Hồng Công. Thái độ hai mặt này đã cản trở củng cố lòng tin chiến lược Trung-Nhật.
(ii) Dư luận trong dân có cách nhìn tiêu cực về đối phương:
Kết quả “Thăm dò dư luận về quan hệ Trung-Nhật” do Diễn đàn Bắc Kinh-Tokyo lần thứ 16 công bố ngày 17/11 cho thấy, 45,2% người Trung Quốc được hỏi có ấn tượng tích cực về Nhật Bản, về cơ bản giữ mức gần giống với kết quả 45,9% trong năm 2019. Trong khi đó, có tới 89,7% người Nhật Bản có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc, tăng 5 điểm % so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do vấn đề lịch sử để lại và tranh chấp về quần đảo Điếu Ngư đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Trung-Nhật. 
(iii) Ảnh hưởng của yếu tố Mỹ:
“Cú sốc Trump” đã can thiệp vào “quan hệ ba bên” Trung-Mỹ-Nhật, trong đó có quan hệ Trung-Nhật. Một mặt, Mỹ cố tình tạo va chạm với Trung Quốc trong các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, dẫn đến việc Nhật Bản có xu hướng nghiêng về Mỹ-nước đồng minh của mình và có thái độ tiêu cực trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ tăng cường chia sẻ trách nhiệm quốc phòng khiến Nhật Bản phải tìm cách tăng cường khả năng quân sự như một điểm đột phá để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, tạo rủi ro cho nước láng giềng Trung Quốc. Bằng chứng là Mỹ chi ngân sách quốc phòng tăng liên tục trong vòng 8 năm qua. Ngoài ra, “Tổng thống đắc cử” của Mỹ, ông Biden tuyên bố rằng quần đảo Điếu Ngư có thể là đối tượng áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Điều này cũng gây ra sự không chắc chắn cho sự phát triển quan hệ Trung-Nhật trong tương lai.
Mặc dù hai nước tồn tại một số thách thức, nhưng hai nước vẫn có cơ sở nhận thức chung chiến lược sâu sắc. Bởi lẽ, sự phát triển của quan hệ Trung-Nhật liên quan đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, hai nước cần tìm kiếm cơ hội hợp tác trên 3 phương diện sau nhằm thúc đẩy quan hệ Trung-Nhật không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh:
(i) Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại:
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc “chính trị và kinh tế không thể tách rời”, sự phát triển hợp tác kinh tế Trung-Nhật sẽ giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị và an ninh. Tiến trình hợp tác khu vực không chỉ liên quan đến sự thành bại của khu vực mà còn quyết định đến tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Liệu các nước có theo xu hướng hòa bình và phát triển dựa trên quan điểm hợp tác đôi bên cùng có lợi hay là sự chia rẽ và đối đầu dựa trên tư duy Chiến tranh Lạnh?
(ii) Cùng nhau ứng phó với dịch bệnh:
Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, nhân dân hai nước đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay Trung Quốc về cơ bản đã thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Nhật Bản lại đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 3, Nhật Bản đang đứng trước thử thách kép: vừa phải phòng chống dịch vừa chịu áp lực giảm tốc kinh tế. Tại thời điểm này, trên cơ sở tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, hai nước cần khởi động “làn nhanh” phục vụ trao đổi nhân sự nhằm thúc đẩy khôi phục sản xuất. Hành động này thể hiện trí tuệ và quyết tâm vượt qua khó khăn, viết nên chương mới cho tình hữu nghị giữa hai nước.
(iii) Hai nước chung tay tổ chức các sự kiện lớn:
Trong hai năm tới, Trung Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh lần thứ 24, Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa Hè Tokyo lần thứ 32. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hai nước nên coi đây là cơ hội để mở rộng hợp tác giao lưu nhân dân, tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường quan hệ song phương, cải thiện dư luận trong dân chúng hai nước là việc làm đúng lúc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here