Tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 10/2023. Tính đến ngày 24/10, tín dụng đối với kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong khi đó từ tháng 5/2023 trở lại đây đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Cầu tín dụng yếu, một số ngân hàng tăng trưởng tốt xin nới room
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: ăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92%, có sự hồi phục khá mạnh trong nửa cuối tháng 9/2023.
Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố như: Cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm).
Một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…).
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn. Việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất của ABBank, tính đến hết ngày 30/09, ABBank ghi nhận đạt 646 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. ‘Lợi nhuận giảm cũng là tình hình chung trong hệ thống ngân hàng khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động và tổng cầu thị trường thấp, kinh tế xã hội có cải thiện nhưng còn khó khăn’, đại diện ABBank cho biết.
Tổng tài sản của ABBank cuối quý III/2023 đạt 141.586 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Huy động từ khách hàng đạt 102.018 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động cho vay của ABBank cũng chịu tác động chung trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm, theo đó dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến hết 30/9 đạt 86.069 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBank vẫn có sự tăng trưởng, đạt 491 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Phạm Duy Hiếu – Quyền Tổng Giám đốc ABBank nhận định: “Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của ABBank. Tuy vậy, chúng tôi đang kiên trì từng bước cải thiện các mảng hoạt động, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hướng tới thúc đẩy kinh doanh, quản trị rủi ro hiệu quả và tối ưu hóa chi phí hoạt động”.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tháng 10/2023 quay đầu giảm, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm nhưng cũng có tổ chức tín dụng tăng khá tốt và đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023. “Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
“Techcombank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định quý III/2023. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh, thu hút 2,2 triệu khách hàng mới trong 9 tháng năm 2023. Thu nhập từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và dịch vụ bảo hiểm đạt mức tăng trưởng đáng kể trong quý III/2023, qua đó giúp chúng tôi duy trì đà tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ’, ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 2 quý liên tiếp, củng cố đà tăng CASA của Techcombank. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi cao hơn mức tăng toàn ngành trong 9 tháng năm 2023. Ngân hàng tin tưởng sẽ đạt mục tiêu lợi nhuận và chất lượng tài sản đã đề ra cho cả năm.
Về kết quả kinh doanh, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III ở mức 5.843 tỷ đồng, tăng 3,4% so với quý II/2023 dù giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 17.115 tỷ đồng, thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng MSB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm nay với chỉ tiêu lợi nhuận đạt 83% kế hoạch năm. Mức lợi nhuận này tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận những nỗ lực của MSB để tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường biến động.
Kết thúc 9 tháng năm nay, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của MSB đạt 9.567 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 9% so với 9 tháng năm trước. Đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ.
Đây là “quả ngọt” từ quá trình chuyển đổi số của MSB trong gia tăng trải nghiệm khách hàng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 1.031 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục phát huy vị thế tiên phong của MSB trong mảng này.
Dư cung tín dụng khá lớn, không hạ chuẩn cấp tín dụng
Theo ông Phạm Chí Quang, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng đang dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.
“Xét về cân đối cung – cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
Trước tình hình này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra một số giải pháp như: Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tín dụng linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và không chủ quan với lạm phát.
Phía Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng cần tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nỗ lực tiết giảm chi phí; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục cho vay…