Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

0
43
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch. (Nguồn: Vneconomy)

Tổng Cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng qua, chỉ số này ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch. (Nguồn: Vneconomy)

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng thì tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt trên 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Xét về thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.

Để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường; đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này. Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu…

Về tình hình doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 8, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 124,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,8 nghìn lao động, giảm 15,2% về số doanh nghiệp, giảm 6,2% về vốn đăng ký và giảm 12,1% về số lao động so với tháng 7/2024.

So với cùng kỳ năm trước, giảm 12,8% về số doanh nghiệp, giảm 16,2% về số vốn đăng ký và giảm 22,6% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, có 5.334 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023; 5.160 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 4,5% và giảm 1,1%; có 1.927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,4% và tăng 26,0%.

Lũy kế 8 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 82,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm trước; gần 38,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,8%; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,0%. Bình quân một tháng có 16,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dung (CPI) ổn định so với tháng trước.

Hà Nội là đầu tàu cả nước nên sự biến động chỉ số giá tiêu dùng của Thủ đô tác động không nhỏ đến CPI chung. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI của Hà Nội tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng.

Nhóm giáo dục tăng 29,33% (tác động làm CPI bình quân chung 8 tháng năm nay tăng 2,32%) do 3 tháng đầu năm 2024, các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 4.7.2023 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023 – 2024.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here