Hóa giải thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu, nỗ lực giữ chân “đại bàng”

0
54
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do sở hữu nhiều lợi thế. (Nguồn: VGP News)

Thời điểm ngày 1/1/2024 khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng đã cận kề, Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị cho “sân chơi” mới, vừa hóa giải thách thức trong cuộc đua thu hút FDI, vừa có thể giữ chân được “đại bàng”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do sở hữu nhiều lợi thế. (Nguồn: VGP News)

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới hiện nay.

Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn

Tổng Cục thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định này. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, có hiệu lực. Đến nay 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận với chính sách thuế này. Việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu nếu Việt Nam không áp dụng thì những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch, như thế sẽ mất khoản thuế trên.

Dù vậy, ông Cường cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do các lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, các hiệp định FTA trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh và hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, ôn hòa. Theo đó vốn đầu tư FDI kỳ vọng vẫn là yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong các năm tới, và là động lực tăng trưởng cho nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022. Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay. Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, việc vốn đang ký mới tăng mạnh tiếp tục cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Gợi  ý, khuyến nghị cho Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) lưu ý rằng Việt Nam có thể có những biện pháp khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI. Trong đó, việc “làm mới” chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các quy định dẫn tới các chi phí không cần thiết, nâng cấp chất lượng hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ là những hướng đi phù hợp, có ý nghĩa về lâu dài. Nếu Việt Nam làm được những điều này một cách quyết liệt, để cải thiện nhanh nhất về khả năng cạnh tranh, thì sức hút đối với FDI thậm chí còn tăng.

“Ở bình diện khu vực, chúng ta đã và đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài sang các nước Đông Nam Á trong những năm qua, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, các nước Đông Nam Á đều nỗ lực cạnh tranh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, từng nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á đều chưa có được quy mô đủ lớn (đặc biệt là so với các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ) và rủi ro cạnh tranh quá mức có thể ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với một nền sản xuất chung.

Trong bối cảnh ấy, thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra yêu cầu để các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhìn lại yêu cầu kết hợp hài hòa và đồng thời cả nỗ lực cạnh tranh và nỗ lực hợp tác để cùng thu hút FDI”, chuyên gia Nguyễn Anh Dương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, ưu đãi thuế để thu hút FDI là cuộc “cạnh tranh xuống đáy”. Đây chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ cũng sẽ tăng lên, qua đó cải thiện sức hút với FDI.

Cải thiện môi trường đầu tư là yếu tố then chốt

Tại Hội nghị bàn về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào Bình Dương vừa được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn là yếu tố then chốt, nếu làm tốt điều này thì Việt Nam vẫn thu hút được doanh nghiệp FDI và “giữ chân” được các doanh nghiệp đang sản xuất hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề xuất, khi không còn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để giải quyết bài toán khó này, thì cần phải xử lý đồng bộ nhiều giải pháp.

Đối với địa phương khi ngân sách nhà nước thu thêm được từ khoản chênh lệch thuế tối thiểu toàn cầu, thì nên hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp bằng việc tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, như chi đào tạo nguồn nhân lực; tăng mức trích khấu hao tài sản cố định; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh…

Về phía Chính phủ, cần tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, giảm các chi phí “không chính thức” cho doanh nghiệp. Song song với giảm chi phí, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm để giảm thiểu tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động; sửa đổi, bổ sung các luật thuế, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nội dung xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng tình quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam kiến nghị, Nhà nước nên dùng khoản thuế thu được tăng thêm để điều tiết, hỗ trợ nhà đầu tư. Theo đó, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất “xanh”, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) và ban hành quy định, những chi phí đầu tư này sẽ được khấu trừ vào phần thuế mà doanh nghiệp phải nộp thêm khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Vốn là một “cứ điểm” của nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương nêu quan điểm, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp. Bình Dương đang xây dựng các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, chú trọng thu hút vốn đầu tư xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Phan Mích

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here