Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khai thác thị trường Canada

0
49
Canada là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong khối Hiệp định CPTPP. (Nguồn: Bizlive)

Vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến với chuyên đề: Triển vọng hợp tác thương mại hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Canada trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP.

Canada là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong khối Hiệp định CPTPP. (Nguồn: Bizlive)

Hội thảo phân tích việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định CPTPP, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin, tập quán kinh doanh cũng như chính sách thương mại cập nhật từ thị trường Canada, tạo ra các cơ hội mở rộng kinh doanh – xuất khẩu.

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), những năm qua, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đang có sự tăng trưởng tại thị trường Canada. Tuy nhiên về quy mô cũng như tỷ trọng ngành hàng vẫn còn khá khiêm tốn. Dung lượng xuất khẩu vào Canada vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 60% khi họ tận dụng được các ưu đãi thuế.

Chỉ ra những yếu tố làm hạn chế kim ngạch xuất khẩu vào Canada theo ông Lăng chính là là vị trí địa lý, năng lực vận tải, chi phí logistics khiến sản phẩm của Việt Nam kém sức cạnh tranh. Trong khi các sản phẩm cùng loại tại những thị trường gần Canada có giá thành thấp, tỷ lệ chuyên môn hóa và tự động hóa cao nên tiết kiệm chi phí khiến giá thành giảm so với những sản phẩm của Việt Nam phải sử dụng nhiều nhân công, làm thủ công hoặc có sản lượng thấp hơn.

Mặt khác, thị trường Canada vẫn duy trì tỷ giá thấp để khuyến khích xuất khẩu, hoặc nước này thường xuyên điều tra, áp thuế chống bán phá giá ở mức cao khiến sản phẩm Việt Nam rất khó tiếp cận.

Canada cũng có FTA với nhiều nước khác nên họ tận dụng những thị trường gần và thân với họ hơn. Canada đề cao các yếu tố bền vững về môi trường đối với sản phẩm dệt may, da giày như sản xuất xanh, sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon gây khó khăn cho sản phẩm của Việt Nam.

“Người Canada được đào tạo để nhận biết sản phẩm nhập khẩu có đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường, sản phẩm xanh cũng như các dấu vết carbon thấp để lựa chọn.

Bên cạnh các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế bằng 0, Canada còn đưa ra những cái tiêu chí về môi trường bền vững, nhất là các sản phẩm nông sản, nên bên cạnh các sản phẩm thế mạnh Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường bền vững”, ông Lăng khuyến nghị.

Đề cập những vấn đề pháp lý dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi có định hướng xuất khẩu sang thị trường Canada, ông Nguyễn Trung Hiếu, Thạc sỹ, Luật sư, Tổng giám đốc công ty TNHH Bách Luật (LexNovum Lawyers) cho rằng, trước tiên doanh nghiêp cần tìm hiểu rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp dựa trên quy tắc này để có chiến lược, kế hoạch thu mua nguyên vật liệu để hoàn chỉnh sản phẩm theo đúng quy định trong Hiệp định CPTPP.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường Canada, Luật sư Nguyễn Trung Hiếu lưu ý cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có thể được áp dụng từ năm 2024, sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP được 5 năm.

Cơ chế này khá thuận tiện đối với sản phẩm nội khối, doanh nghiệp sẽ tự đưa ra xác nhận CO nộp cho cơ quan hải quan để được hưởng cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý các doanh nghiệp xuất từ Canada phải có thực sự đủ uy tín, tin tưởng giúp doanh nghiệp sử dụng thông tin cung cấp cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi.

“Khi thông tin sai lệch doanh nghiệp nhập khẩu có thể bị xem xét dưới góc độ hình sự liên quan đến hoạt động buôn lậu, trốn thuế để hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác nhập khẩu cung cấp và chịu trách nhiệm về các thông tin cung cấp, thậm chí đưa thêm 1 ngân hàng, đơn vị tài chính bảo lãnh để có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra các phát sinh về mặt thông tin pháp lý. Đây là vấn đề hết sức trọng yếu nêu doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế tự vệ khi nhập khẩu hàng hóa”, ông Hiếu dẫn chứng.

Như Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here