Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Tan-da-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
- GDP:
- Giá trị: 50,5 tỷ USD (năm 2017).
- Tỷ trọng đóng góp GDP: nông nghiệp 25,1%; công nghiệp: 27,6%; dịch vụ: 47,3%.
- GDP trên đầu người: Ước tính 1.017,5 USD (năm 2017).
- Tăng trưởng GDP: năm 2015: 7%; năm 2016: 7,2%; năm 2017: 7,2%.
- Dự báo trong năm 2018 và các năm tiếp theo vẫn giữ mức tăng trưởng quanh mốc 7%.
- Dự trữ ngoại hối: 5,82 tỉ USD (năm 2017).
- Lạm phát:
- Năm 2015: 5,6%;
- Năm 2016: 5,2%;
- Năm 2017: 5%.
- Dự báo trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Chính phủ vẫn kiểm soát tốt tình hình lạm phát quanh mốc 5%.
- Một số ngành trọng điểm:
- Nông nghiệp, tài chính và dịch vụ kinh doanh, thương mại và du lịch, sản xuất.
- Sản phẩm nông nghiệp chính: cà phê, sợi gai, trà, bông, hoa cúc, điều thô, thuốc là, đinh hương, ngô, lúa mì, sắn, chuối, trái cây, thịt bò, thịt cừu, thịt dê.
- Một số ngành công nghiệp chính: chế biến sản phẩm nông nghiệp (đường, bia, thuốc lá, dây thừng bằng sợi gai); khai thác đá quý, vàng, quặng sắt; muối, xi măng, lọc dầu, da giày, quần áo, sản phẩm từ gỗ, phân bón…
- Xuất khẩu:
- Giá trị xuất khẩu: 6 tỷ USD (số liệu năm 2016).
- Các mặt hàng xuất khẩu chính: Vàng, cà phê, hạt điều thô, hàng công nghiệp, bông…
- Các đối tác xuất khẩu chính: Ấn Độ (chiếm 21,4%), Trung Quốc (chiếm 8,1%), Nhật Bản (chiếm 5,1%), Kenya (chiếm 4,6%), Bỉ (chiếm 4,3%).
- Nhập khẩu:
- Giá trị nhập khẩu: 10 tỉ USD (số liệu năm 2016).
- Các mặt hàng nhập khẩu chính: Hàng tiêu dùng, máy móc và trang thiết bị vận tải, nguyên liệu thô, dầu thô.
- Các đối tác nhập khẩu chính: Trung Quốc (chiếm 34,6%), Ấn Độ (chiếm 13,5%), Nam Phi (4,7%), UAE (chiếm 4,4%) và Kenya (chiếm 4,1).
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại đầu tư
- Chính phủ Tanzania chủ trương huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, trong đó bao gồm khả năng hợp tác với các các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển.
- Khuyến khích tối đa xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhằm phát triển lĩnh vực xuất khẩu năng động và cạnh tranh. Chính phủ khuyến khích các nguồn lực bên ngoài bổ sung cho các nguồn lực trong nước.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa các công nghệ mới vào áp dụng thực tiễn, đặc biệt là những công nghệ tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Chú trọng hơn tới vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
- Các lĩnh vực kêu gọi đầu tư: phát triển nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên (trồng rừng, nuôi ong, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản); phát triển hạ tầng du lịch; khai thác và sản xuất dầu khí; khai thác khoảng sản; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông gồm đường sắt, cảng biển, cảng hàng không…
- Các đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania gồm: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu, UAE, Vương Quốc Anh, Kenya và Nam Phi.
- Các nước đầu tư lớn nhất tại Tanzania gồm: Nam Phi, Anh, Kenya, Canada và Trung Quốc.
- Trong 20 năm qua, Chính phủ Tanzania đã thực hiện nhiều cải cách kinh tế nhằm tự do hóa thương mại, trong đó bao gồm các biện pháp tăng cường vai trò của khu vực tư nhân và thành lập Trung tâm Đầu tư Tanzania (TIC) để thúc đẩy, tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài và giảm dần các lĩnh vực hạn chế đầu tư.
- Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng và nông nghiệp, trong đó có Sáng kiến Kilimo Kwanza (Nông nghiệp đầu tiên) và Quan hệ đối tác tăng trưởng nông nghiệp miền Nam Tanzania (SAGCOT). Các đối tác đầu tư vào hai lĩnh vực đều được khấu trừ 100% chi phí vốn.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng:
- Tanzania là nước nhập siêu. Mặc dù có xu hướng bảo hộ nền sản xuất còn non trẻ trong nước nhưng các biện pháp phòng vệ thương mại được nước này áp dụng là không đáng kể. Tanzania chủ yếu dùng công cụ thuế để điều tiết cán cân thương mại và khuyến khích hoặc hạn chế nhập khẩu.
- Để bảo hộ nền sản xuất trong nước, Chính phủ Tanzania này thường áp thuế cao trong thời gian cụ thể đối với các mặt hàng trong nước có thể sản xuất được.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, Chính phủ cấm nhập khẩu tạm thời một số mặt hàng cần được bảo hộ như gạo, đường, lúa mì…
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại
- Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 390 triệu đô la Mỹ trong năm 2017. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 1 tỷ USD trong năm 2020.
- Các mặt hàng Tanzania xuất khẩu sang Việt Nam gồm: hạt điều thô, bông, bột mì, ngô, vừng, lạc…
- Các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam gồm gạo, các sản phẩm dệt may, da giày, dây điện và dây cáp điện, sản phẩm sắt thép, máy móc, hàng tiêu dùng, bánh kẹo, tã lót, băng vệ sinh…
Đầu tư
- Hiện chỉ có Tập đoàn Viettel là có dự án đầu tư lớn nhất tại Tanzania với tổng giá trị đăng ký 1 tỷ USD từ tháng 10/2014. Hiện Công ty Viettel Tanzania đã trở thành Công ty viễn thông lớn thứ 3 tại thị trường này.
- Ngoài ra, Công ty khai khoáng sản Green Diamond do ông Lê Quý Dương đầu tư đã bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2018. Cho đến thời điểm tháng 6/2018, tổng giá trị đầu tư vào các hoạt động khai thác lên đến hơn 2 triệu USD. Dự kiến, Công ty sẽ bắt đầu có sản phẩm đầu tiên trong tháng 7/2018.
- Một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ đầu tư các xưởng gỗ, xưởng sản xuất băng dính có giá trị không đáng kể.
Các thoả thuận đã ký kết
- Biên bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Tanzania (TCCIA) năm 2006.
- Thỏa thuận giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Thống nhất Tanzania về việc miễn thị thực cho người có hộ chiếu ngoại giao và công vụ (năm 2010).
- Thỏa thuận về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2010).
- Hiệp định vận tải biển giữa Cộng hòa Thống nhất Tanzania và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Hiệp định Thương mại giữa hai nước (tháng 10/2001).
- Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ (tháng 12/2004).
- Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa hai Chính phủ Việt Nam và Tanzania (tháng 12/2004).
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (đã hoàn tất đàm phán và chờ ký).
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (đã phán vòng 1).
Thương mại
Các nước thuộc khu vực Đông Phi có truyền thống nhập siêu, sức tiêu thụ lớn. Kenya, Ethiopia, Tanzania và Uganda là các thị trường lớn nhất với dân số lần lượt là 45 triệu, 100 triệu, 55 triệu và 40 triệu người.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: trang thiết bị giao thông – vận tải, máy móc – vật liệu xây dựng, trang thiết bị điện – điện tử, xăng dầu, sắt thép, trang thiết bị y tế, dược phẩm, máy móc nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu công nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Hầu hết các mặt hàng do Việt Nam sản xuất đều có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường này.
Việc lưu chuyển hàng hoá giữa các nước trong nội khối Đông Phi là rất dễ dàng do các nước đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và thông qua hệ thống đường sắt nối với cảng của Tanzania và Kenya.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến thị trường này như Trường Hải, Vinamilk, Pin Ắc-quy Miền Nam, Hanvet… Sau một thời gian nghiên cứu, các doanh nghiệp này đều có đánh giá tích cực về triển vọng tiêu thụ hàng hoá Việt Nam. Điều này cho thấy, nếu doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức đến thị trường khu vực này, có chiến lược rõ ràng và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ thì triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn trong thời gian tới.
Nông nghiệp
Các nước thuộc khu vực Đông Phi đều có diện tích rộng lớn, đất đai tương đối màu mỡ, khí hậu ổn định. Đa số diện tích đất nông nghiệp còn bỏ trống do thiếu nhân lực, vốn ít, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác còn thấp, hệ thống tưới tiêu chưa tốt.
Chính phủ các nước đã xây dựng chiến lược, đề ra nhiều biện pháp nhằm phát triển và hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra, Chính phủ các nước rất khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Các nước thuộc khu vực luôn bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó ưu tiên biện pháp cử chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam sang hỗ trợ kỹ thuật và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư các dự án sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh một số ngành sản xuất của Việt Nam thiếu nguyên liệu đầu vào và một số ngành còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc, đây là thời điểm cần khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam sang thuê đất, mở các trang trại trồng cây công nghiệp tại các nước trong khu vực để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, đặc biệt là các nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất của Việt Nam như: cây điều, cây bông, cây sợi, cây cao su…
Đánh bắt, chế biến và nuôi trồng hải, thủy sản
Tanzania và Kenya có diện tích mặt biển lớn. Trong đó, Tanzania có bờ biển dài (1.424 km) cùng hệ thống các đảo Zanzibar, Pemba và Mafia ở phía tây Ấn Độ Dương nên tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng hải sản là rất lớn.
Tanzania, Uganda và Kenya cùng chia sẻ hồ Victoria rộng thứ nhì thế giới với diện tích 68.800 km2. Ngoài ra, Tanzania cùng chia sẻ với Burundi, CHDC Congo và Zambia hồ Tanganyika sâu thứ nhì thế giới với diện tích 32.900 km2; cùng chia sẻ với Malawi và Mozambique hồ Nyasa với diện tích 30.800 km2. Ngoài các hồ lớn nêu trên, Uganda, Tanzania, Kenya và Rwanda đều có nhiều hồ nước ngọt lớn khác, phù hợp với việc nuôi trồng thuỷ sản.
Với kinh nghiệm trong việc đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy – hải sản, Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các nước Đông Phi trong lĩnh vực này. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các nước khu vực Đông Phi đều đánh giá cao năng lực nuôi trồng, chế biến thuỷ – hải sản của Việt Nam và mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác đầu tư.
Việc khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư trong lĩnh vực này là thuận lợi, mang lại lợi ích cho cả hai phía trong bối cảnh nguồn tài nguyên biển của chúng ta ngày càng khan hiếm; các công ty chế biến thủy – hải sản của Việt Nam thường xuyên thiếu nguyên liệu sản xuất do diện tích mặt nước dành cho nuôi trồng thủy – hải sản ở một số vùng của Việt Nam ngày càng bị thu hẹp.
Hợp tác khai thác khoáng sản:
Các nước khu vực Đông Phi giầu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng lớn về vàng, sắt, thiếc, các kim loại cơ bản, kim cương, đá quý, khí đốt, than, uranium… Do trình độ khoa học, công nghệ và vốn của các nước này còn hạn chế nên việc khai thác mỏ chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thực hiện. Các sản phẩm khai thác chủ yếu được xuất thô, nên giá trị gia tăng chưa cao, tỉ lệ đóng góp ngân sách không nhiều.
Chính phủ các nước đang khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khai thác kết hợp với chế biến, chế tác nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và chế tác vàng, đá quý hoàn toàn có cơ hội tham gia lĩnh vực này tại các nước Đông Phi. Hiện có một doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư khai thác vàng tại Tanzania và thăm dò một số nước khác trong khu vực. Tuy quy mô đầu tư của doanh nghiệp này còn nhỏ nhưng bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong thời gian tới, ta cần tính toàn khả năng hợp tác với các nước trong khu vực trong lĩnh vực khai khoáng và chế tác kim loại quý, đá quý nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Hợp tác xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng
Chính phủ các nước khu vực đang tập trung xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt quan tâm chỉnh trang đô thị và phát triển hạ tầng giao thông. Tanzania, Ethiopia và Kenya đang kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tham gia các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không. Một số doanh nghiệp xây dựng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đã có mặt từ nhiều năm. Bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông, nhu cầu xây dựng dân sự cũng rất lớn.
Nếu được khuyến khích và quan tâm đúng mức, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia tạ
Các quy định về xuất nhập khẩu, thuế suất
Thông tin về thủ tục xuất, nhập khẩu và biểu giá thuế tại Tanzania có thể tham khảo tại: http://www.tra.go.tz.
Thông tin về thủ tục đầu tư tại Tanzania có thể tham khảo tại: www.tic.co.tz.
Một số lưu ý khi giao dịch với các đối tác Châu Phi
Đối với các nước khu vực Đông Phi nói riêng và Châu Phi nói chung, khi thực hiện các hoạt động trao đổi thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các vấn đề sau:
- Kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân và năng lực của đối tác nhằm đảm bảo độ tin cậy của đối tác và tránh được các trường hợp lừa đảo. Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo ý kiến của cơ quan đại diện Việt Nam, đặc biệt là bộ phận thương vụ tại nước đặt trụ sở của doanh nghiệp đối tác. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp Việt Nam nên đến gặp gỡ, tham quan doanh nghiệp đối tác và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất, vận chuyển, cung cấp hàng.
- Nên đề nghị đối tác thanh toán bằng L/C tại ngân hàng uy tín. Tuyệt đối, không đặt cọc tiền trước khi giao hàng để tránh các trường hợp lừa đảo. Thủ đoạn thường gặp là sau khi nhận 10% hoặc 20% tiền cọc, các doanh nghiệp lừa đảo sẽ tìm cách không giao hàng hoặc biến mất.
- Cử đại diện kiểm tra kỹ chất lượng, số lượng, quy cách hàng nhằm đảm bảo giao hàng đúng, đủ. Đối với các đối tác lần đầu giao dịch, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi quá trình đóng gói, đóng công-ten-nơ và chuyến hàng lên tàu tại cảng.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á, Châu Phi – Bộ Công Thương
54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: 024 2220 5410
Email: VAP@moit.gov.vn
Đại sứ quán của Tanzania tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: Beijing, 8 Liang Ma He Nan Lu, Chaoyang Dist., Beijing 100600
Điện thoại: +86-10-65321408/653210491/65321719
Fax: +86-10-65324351/65321695
Email: beijing@foreign.go.tz
Tại Tan-da-ni-a
Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania
Địa chỉ: Plot 11, Bongoyo Road, Oysterbay, Dar es Salaam; P.O Box: 9724, Dar es Salaam – Tanzania
Điện thoại: +255-22-2664535
Fax: +255-22-2664537
Email: vnemb.taz2009@yahoo.com.vn hoặc vnemb.tz@mofa.gov.vn
Website: http://www.vietnamembassy-tanzania.org/