Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Pa-pua Niu Ghi-nê
I am text block. Click edit button to change this text. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Tổng quan tình hình nền kinh tế
Tình hình phát triển kinh tế
Papua New Guinea (PNG) đang tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sức đề kháng của nền kinh tế bằng việc tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất khí gas hóa lỏng thông qua Kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế 100 ngày hay kế hoạch Ngân sách 2018, bên cạnh là các Chiến lược Tài khóa và Lợi ích Trung hạn. Đầu năm 2018, thu chính phủ tăng 6,7%, thấp hơn dự kiến, nhưng chi tiêu chính phủ lại tăng dẫn tới việc chính phủ phải cắt giảm Ngân sách bổ sung. Tuy gặp phải một số trở ngại trước mắt, triển vọng của kinh tế PNG vẫn lạc quan với GDP thực tế tăng 2,5% năm 2018 so với 2,1% của năm 2017.
Theo Tuyên bố chính sách tiền tệ mới nhất của Ngân hàng PNG, nền kinh tế PNG đang dần ổn định nhờ tác động của dự án PNG LNG (dự án sản xuất khí LNG). Tăng trưởng kinh tế thực được dự đoán là 2,8%, đồng Kina đã ổn định và cán cân thanh toán năm 2016 ở mức thặng dư. Tuy nhiên, có những căng thẳng về tài chính tại PNG (theo Ngân hàng PNG).
Chính vì nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chi tiêu chính phủ cho y tế, xã hội, cộng đồng còn rất hạn chế, thậm chí kém hơn nhiều năm trước. Số lượng trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn rất lớn, tình trạng mắc các bệnh mãn tính như tiêu chảy, ung thư, tim mạch cũng tăng cao. Đầu năm 2018, báo cáo về bệnh lao cho thấy nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động và sự tham gia vào lực lượng lao động của người dân. Nửa đầu năm 2018, biến đổi khí hậu cũng được coi là một nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng kém. Động đất và lũ lụt, sạt lở đất khiến cho đời sống người dân càng khó khăn hơn.
Một vài chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) thì dự trữ quốc tế của PNG trong năm 2015 đạt 1,7 tỷ USD; tổng GDP đạt 20,8 tỷ USD (năm 2017); GDP/đầu người (giá hiện hành) là 2.560,4 USD; GDP theo lĩnh vực năm 2016: nông nghiệp chiếm 22,3%, công nghiệp 37,6%, dịch vụ 40,1%, lạm phát năm 2017 đạt 7,5%, nợ công năm 2017 chiếm 36,5% GDP[1].
Dự trữ ngoại hối: Tính đến cuối năm 2016, tổng dự trữ ngoại hối của PNG đạt 1,678 tỷ USD (tương đương 5,257 tỷ Kina), đủ cho 7,2 tháng tổng nhập khẩu. Ngân hàng PNG kỳ vọng, dự trữ ngoại hối của PNG dự kiến đạt 2,1 tỷ USD (tương đương 6,6 tỷ Kina) vào cuối năm 2017. Sự gia tăng mức dự trữ chủ yếu phản ánh dòng tiền được cải thiện từ xuất khẩu phi khoáng sản, tiền thu được dự kiến từ nguồn tài chính bên ngoài và tiền bản quyền và tiền liên quan đến Dự án PNG LNG cũng như các khoản vay ưu đãi từ các nguồn song phương và đa phương.
Nguồn quỹ: mất cân bằng tài chính có thể ảnh hưởng đến khả năng của chính phủ để hỗ trợ thâm hụt ngân sách. Ngân hàng dự đoán thâm hụt ngân sách năm 2017 sẽ là 1.876,5 triệu Kina hoặc 2,5% GDP danh nghĩa. Để tài trợ thâm hụt, Chính phủ PNG dự định huy động vốn chủ yếu từ các nguồn bên ngoài, với khoảng 128,6 triệu Kina từ nguồn ưu đãi và 54,4 triệu Kina từ các nguồn thương mại, và 1.500 triệu Kina từ nguồn tài trợ bên ngoài khác. Số còn lại 193,5 triệu Kina sẽ là từ các nguồn trong nước.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
PNG là một nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, gỗ và hải sản… Kinh tế PNG là sự kết hợp của kinh tế tự cung tự cấp và kinh tế thị trường kém phát triển; 80% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Các ngành khoáng sản, gỗ và hải sản chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là cà phê, dầu dừa, dầu cọ, chè, ca cao, gỗ, vani, cao su, rau quả, thịt.
Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu là khai khoáng, khai thác và chế biến gỗ; các sản phẩm chính là đồ gỗ (ép), sản phẩm kim loại cán, khai thác mỏ (vàng, bạc, đồng, dầu thô), xây dựng.
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Về thương mại
Papua New Guinea là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 90 trên thế giới. Trong năm 2016, PNG xuất khẩu đạt 8,21 tỷ USD và nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD, thặng dự thương mại là 4,41 tỷ USD. Số liệu thống kê thương mại năm 2017 cho thấy Papua New Guinea đạt mức thặng dư thương mại lên đến khoảng 7,03 tỷ đô la Mỹ (Theo www.statista.com).
Năm 2016, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của PNG là dầu khí (2,54 tỷ USD), vàng (1,97 tỷ USD), gỗ thô (607 triệu USD), dầu thô (582 triệu USD) và quặng đồng (396 triệu USD). Nhập khẩu hàng đầu của PNG là dầu mỏ tinh chế (342 triệu USD), dầu thô (152 triệu USD), gạo (107 triệu USD), máy đào (89,1 triệu USD), máy bay, máy bay trực thăng (77,5 triệu USD). Xuất khẩu khoáng sản chiếm tới 72% tổng giá trị hàng xuất khẩu mỗi năm.
Thị trường xuất khẩu chính của PNG là Úc (2,61 tỷ USD), Nhật Bản (1,84 tỷ USD), Trung Quốc (1,5 tỷ USD), các nước châu Á khác (417 triệu USD) và Singapore (234 triệu USD).
Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc và thiết bị giao thông, thực phẩm, nhiên liệu, hóa chất. Thị trường nhập khẩu chính là Úc (1,19 tỷ USD), Trung Quốc (647 triệu USD), Singapore (372 triệu USD), Malaysia (333 triệu USD) và Indonesia (150 triệu USD). (Số liệu xuất nhập khẩu từ https://atlas.media.mit.edu/en/profile/country/png/)
Về đầu tư
Việc thoái vốn 40 triệu USD đã xảy ra tại Papua New Guinea trong năm 2016 do biến động của dòng vốn FDI và bất ổn chính trị trong quá trình thực hiện các dự án khai thác mỏ và khí tự nhiên quy mô lớn (UNCTAD). Vốn FDI hiện tại đạt 4,2 tỷ USD (UNCTAD). Các ngành khai khoáng, dầu mỏ và khí đốt thu hút phần lớn FDI tại PNG[2].
Thực tế, FDI hiện tại tại PNG vẫn còn yếu so với tiềm năng của đất nước này do thiếu thiết bị, độc quyền nhà nước, bất ổn chính trị và bất an xã hội. Luật pháp không cho phép người nước ngoài sở hữu trực tiếp đất đai, đầu tư vào một số lĩnh vực bị hạn chế. Khung pháp lý không đủ nguồn lực và kém phát triển. Tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến là những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của PNG. Trong báo cáo Kinh doanh năm 2018 thì Papua New Guinea đứng thứ 109 trong 190 quốc gia, cải thiện 10 điểm so với năm 2017.
Tổng công ty năng lượng Total của Pháp đã đầu tư vào một dự án khai thác, chế biến và xuất khẩu khí đốt lớn. Nhà máy – được mệnh danh là Papua Liquefied Natural Gas – có công suất dự kiến 7 triệu tấn/năm và vốn đầu tư ước tính là 10 tỷ USD. Exxon Mobil cũng có kế hoạch tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu bằng cách tham gia liên doanh để phát triển dự án khí hóa lỏng (LNG) tại PNG. PNG cũng công bố việc xây dựng một nhà máy thủy điện, dự án này do Điện lực Hàn Quốc đầu tư xây dựng với tổng chi phí là 272 triệu USD (UNCTAD).
[1] Nguồn tham khảo: https://www.gfmag.com/global-data/country-data/papua-new-guinea-gdp-country-report
[2] Nguồn tham khảo: https://en.portal.santandertrade.com/establish-overseas/papua-new-guinea/investing-3
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Chủ trương về xuất khẩu hay ưu tiên khai thác thị trường trong nước (thông tin đang được cập nhật)
Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên
Hiện nay, nền kinh tế PNG vẫn phụ thuộc lớn vào việc sản xuất khí gas hóa lỏng bằng các hình thức khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nhưng trên thực tế không một khoản lợi nhuận nào từ các dự án khí gas hóa lỏng đó chảy vào ngân sách chính phủ. Chính vì vậy, PNG đang thiếu ngoại tệ một cách trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế rất non yếu của đất nước này. Nhận thức được thực tế đó, trong khoảng thời gian đầu năm 2018, chính phủ đã chú trọng nhiều hơn vào việc đầu tư cho các lĩnh vực không phụ thuộc tài nguyên như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các vật tư y tế. Chính phủ đã thực hiện Quỹ Của cải Tự chủ, với mục đích quản lý tốt nguồn thu từ khu vực sản xuất tài nguyên nhưng vẫn không thể kiểm soát chặt chẽ khu vực này.
Các đối tác thương mại ưu tiên (thông tin đang được cập nhật)
Chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Trên giấy tờ, PNG có một chế độ đầu tư tự do, là thành viên của WTO từ năm 1996, chính phủ thường xuyên đặt ưu tiên sản xuất tài nguyên để phát triển kinh tế. Thủ tướng PNG, ông Peter O’Neill được cho là rất thân thiện với các nhà đầu tư sẵn sàng tạo điều kiện chính trị để hỗ trợ đầu tư. Rất nhiều ngành kinh doanh ở PNG là tài sản sở hữu của nước ngoài. Năm 1992, PNG thiết lập Cơ quan phát triển đầu tư (Investment Promotion Authority) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư với chính sách một cửa cho các nhà đầu tư. Luật phát triển đầu tư (Investment Promotion Act) cung cấp các thủ tục đăng ký đầu tư và hỗ trợ của chính phủ, bộ luật này cũng giới thiệu hệ thống đăng ký trực tuyến giúp các công ty thuận lợi trong việc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên cho tới nay kế hoạch này vẫn chưa được thông qua do Quốc hội vẫn chưa đồng thuận với các sửa đổi trong Luật công ty năm 1997.
Papua New Guinea cũng đang cố gắng đa dạng hóa FDI của mình thông qua một khu kinh tế tự do và đặc biệt với công ty Blockchain Ledger Atlas. Mặc dù đó là một Biên bản ghi nhớ, Papua New Guinea đưa ra mức thuế thấp cho các công ty đầu tư vào PNG.
Các FTAs chính hiện đang tham gia
Hiện nay, PNG đã tham gia 6 FTA bao gồm: thỏa thuận đối tác kinh tế Thái Bình Dương ACP-EC, Thỏa thuận Thái Bình Dương về hợp tác kinh tế chuyên sâu, nhóm mũi nhọn Melanesian, Thỏa thuận thương mại các quốc đảo Thái Bình Dương, Khu vực thương mại Papua New Guinea – Australia, Thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại vùng Nam Thái Bình Dương.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng (thông tin đang được cập nhật)
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam thì hiện nay chưa có hoạt động giao thương giữa hai nước.
Vì Papua New Guinea có nguồn tài nguyên biển dồi dào, một số ngư dân Việt Nam cũng đã tìm đến đây để đánh bắt trộm hải sản và nhiều ngư dân tàu thuyền Việt Nam đã bị bắt giữ ở đây. Chính phủ PNG có hình phạt khá nghiêm khắc đối với tàu và ngư dân Việt Nam vi phạm như bỏ tù, phá hủy tàu và phạt tiền raatsl ớn. Thêm vào đó, PNG có vị trí gần Australia, luôn là địa điểm dừng chân của các tàu vượt biên từ các nước Đông Nam Á và Tây Á, và các tàu của người Việt Nam cũng không ngoại lệ, gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ song phương.
Một số vấn đề cần lưu ý khi tiếp cận/thâm nhập thị trường
Trong việc đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, Luật phát triển đầu tư quy định giới hạn các hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài, chẳng hạn trong đánh bắt thủy sản, chỉ được phép đánh bắt trong vùng ve bờ biển, có nghĩa là 3 dặm tính từ đường bờ biển.
Về quyền sở hữu, hệ thống luật pháp của PNG không cho phép sở hữu nước ngoài đối với đất. Với sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không hiệu quả.
Về luật cạnh tranh và chống độc quyền, mặc dù đã có luật và cơ chế cạnh tranh hiện hữu nhưng PNG dường như vẫn bảo vệ những công ty độc quyền và chưa thực thi nhiều chính sách thúc đẩy cạnh tranh.
Nhiều nhà đầu tư phàn nàn về thủ tục hành chính chậm chạp và nạn quan liêu, tham nhũng trong các cơ quan nhà nước.
Một số website cung cấp thông tin đầu tư tại PNG:
www.ipa.gov.pg
www.pngcci.org.pj (PNG Chamber of Commerce)
www.pomcci.com (Port Moresby Chamber of Commerce)
Đầu mối liên hệ hỗ trợ xử lý các vướng mắc thương mại
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: +84 24 22205425
Fax: +84 22 22205518
Đại sứ quán Papua New Guinea tại Indonesia kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: Panin Bank Centre, 6th Floor, Jl. Jenderal Sudirman No.1, Jakarta 10270
Điện thoại: +62-21-72511218
Fax: +62-21-72501012
Email: kdujkt@cbn.net.id
Papua New Guinea
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, kiêm nhiệm Papua New Guinea
Địa chỉ: JL. Teuku Umar No. 25, Menteng, Jakarta Pusat 10350, Indonesia
Điện thoại: +62 21 3158537
Fax: +62 21 3149615
Email: jakarta@mofa.gov.vn, vietnamemb@yahoo.com