Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hợp chủng quốc Mê-xi-cô
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Thông tin cơ bản về GDP, tỷ lệ lạm phát
Trong 3 năm trở lại đây, do tác động của các yếu tố bên ngoài tăng trưởng kinh tế của Mexico có chiều hướng giảm: năm 2015 đạt 2,65%, năm 2016 đạt 2,29% và năm 2017, tăng trưởng GDP của Mexico chỉ đạt 2%, do tác động của quá trình đàm phán lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và do cuộc bầu cử được coi là phức tạp nhất trong lịch sử. Dự báo tăng trưởng kinh tế Mexico năm 2018 đạt 2,3%.
Lạm phát năm 2017 đạt 6,8%, mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm trở lại đây. Lạm phát năm 2016 và 2015 lần lượt ở mức 3,36% và 2,13%. Nguyên nhân do đồng tiền nội địa mất giá, tự do hóa giá xăng dầu và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu. Để kiềm chế lạm phát cũng như để đồng tiền nội địa không bị tiếp tục mất giá, Ngân hàng trung ương đã liên tục phải điều chỉnh lãi suất, lên 7,5% vào cuối tháng 2 năm 2018. Dự báo lạm phát năm 2018 đạt 4% và 3% cho năm 2019.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Ngành công nghiệp ô tô
Ngành công nghiệp ô tô giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mexico. Lĩnh vực này có cơ sở hạ tầng tốt với chính sách mở cửa cùng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển của chính phủ, ngoài ra được hưởng lợi từ nhiều hiệp định song phương và đa phương với 44 quốc gia, cho phép thâm nhập các thị trường với ưu đãi lớn về thuế.
Mexico có vị trí chiến lược, nhân công giá rẻ, ít quy định. Chính những điều này giúp ngành công nghiệp Mexico phát triển, trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 7 trên thế giới và hàng đầu tại Mỹ Latinh. Mexico là nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ 4 trên thế giới và nhà sản xuất phụ tùng lớn thứ 5.
Trong vòng 4 năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Mexico đã thu hút hơn 120 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và xây dựng thêm 10 nhà máy sản xuất ô tô mới, trong đó có Audi, BMW, KIA, Daimler và Toyota. Trong giai đoạn 2017-2019, theo kế hoạch, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ô tô sẽ đạt 5,8 tỷ USD với các dự án của Toyota, Daimler, Nissan, Ford, BMW.
Ngành công nghiệp ô tô đóng góp trên 3% vào GDP cả nước và 18% GDP của ngành chế tạo. Ngoài ra xuất khẩu trên 52 tỷ USD và tạo ra 900.000 việc làm tại Mexico. Năm 2016, sản xuất ô tô đạt 3.465.615 xe, tăng 2% so với năm 2015. Trong đó xuất khẩu 2.768.268 xe, tăng 0,3% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục đối với lĩnh vực ô tô.
Về thị trường xuất khẩu, trong năm 2016 trên 80% tổng số lượng ô tô được sản xuất là dành cho thị trường nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chính của Mexico là Mỹ, chiếm 77,1%, tiếp đến là Canada 8,9% và Đức 2,9%
Các công ty sản xuất nhiều nhất là Nissan với 822.948 xe, General Motors với 690.446 xe và Fiat Chrysler với 503.589 xe.
Lĩnh vực hàng không vũ trụ
Ngành hàng không vũ trụ của Mexico đang ngày càng phát triển. Ngành này tập trung vào sản xuất các bộ phận của máy bay, ngoài ra cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế và dịch vụ hỗ trợ cho máy báy thương mại và quân sự. Trong vòng 3 năm gần đây, tăng trưởng hàng năm luôn đạt trên 15%. Hiện tại, Mexico là nhà cung cấp lớn thứ 6 cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Mỹ.
Ngành công nghiệp này chiếm 0,66% GDP ngành chế tạo và sử dụng hơn 45.000 lao động tay nghề cao. Trong giai đoạn 2004-2014, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 17% và năm 2015 đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Theo thống kê, hiện có khoảng 325 công ty hoạt động trong ngành công nghiệp này, phần lớn đã có chứng nhận NADCAP và AS 9100 và tập trung chủ yếu tại 5 bang: Baja California, Chihuahua, Nuevo León, Querétaro và Sonora. Trong 10 năm trở lại đây, ngành này đã thu hút trên 6,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó 80% từ Mỹ và Canada, 20% còn lại từ châu Âu (chủ yếu là Tây Ban Nha, Pháp và Luxemburgo)
Đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất máy bay dân sự, chiếm 28%; sản xuất bộ phận, phụ tùng khác, 9%; sản xuất dây và bộ phận điện, 8%, còn lại 55% cho các lĩnh vực khác.
Dự báo tới năm 2021, xuất khẩu của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đạt 12 tỷ USD, với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14%.
Những thế mạnh của ngành này chính là cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm trong các ngành công nghiệp ô tô, điện – điện tử, hệ thống kiểm soát xuất khẩu tiên tiến, chi phí cạnh tranh so với Mỹ, lực lượng lao động dồi dào, chất lượng.
Nông nghiệp
Mexico là nhà sản xuất lương thực lớn thứ 12 trên thế giới. Các sản phẩm của Mexico được xuất khẩu tới hơn 150 quốc gia. Ngoài ra Mexico sở hữu ngành nông nghiệp hiện đại. Giá trị xuất khẩu nông sản của Mexico trong năm 2017 đạt 32,5 tỷ USD, tăng 12,47% so với năm 2016.
Về chăn nuôi, theo thống kê trong năm 2016, Mexico hiện đứng thứ 5 thế giới về sản xuất thịt gia cầm (2,8 triệu tấn); thứ 3 thế giới về sản lượng bạch tuộc (35,6 nghìn tấn), thứ 6 về thị bò (1,8 triệu tấn) và thứ 5 về trứng gà (2,5 triệu tấn).
Về trồng trọt, Mexico là nước sản xuất hàng đầu thế giới về quả bơ (1,6 triệu tấn), ớt xanh (2,7 triệu tấn) và cỏ linh lăng (32,5 nghìn tấn).
Ngành điện tử
Mexico nằm trong số các nhà xuất khẩu, sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới. Năm 2017, xuất khẩu của lĩnh vực này đạt trên 132 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, chiếm 85% tổng xuất khẩu, tiếp theo là Canada, Colombia và Hà Lan. Các sản phẩm xuất khẩu chính thuộc lĩnh vực điện tử là máy vi tính, ti vi màn hình phẳng, điện thoại.
Mexico là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về một số mặt hàng điện tử tiêu dùng. Năm 2014, Mexico là nhà xuất khẩu tivi màn hình phẳng hàng đầu thế giới, vượt qua các nước châu Á. Đồng thời là nhà xuất khẩu máy vi tính lớn thứ 4 trên thế giới.
Các công ty điện tử hàng đầu thế giới đều có nhà máy hoạt động tại Mexico như: Samsung, LG, Toshiba, Foxconn, Flextronics và Intel. Các công ty tận dụng vị trí địa lý chiến lược và nguồn nhân công giá rẻ để thâm nhập thị trường Mỹ và Canada.
Từ năm 2005 đến 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử đạt 11,6 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các thiết bị truyền thông. Riêng năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện tử đạt 312 triệu USD. Các quốc gia đầu tư chính tại Mexico là Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển và Nhật Bản.
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Về tình hình xuất nhập khẩu, liên tục trong những năm gần đây kim ngạch thương mại của Mexico giảm sút: năm 2015 xuất khẩu đạt 380 tỷ USD, giảm 4,1%, nhập khẩu đạt 395 tỷ USD, giảm 1,2%; năm 2016, xuất khẩu đạt 373 tỷ, giảm 1,8%, nhập khẩu đạt 387 tỷ USD, giảm 2,1%. Năm 2017, tình hình ngoại thương có sự phục hồi mạnh mẽ, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP. Xuất khẩu năm 2017 đạt 409 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2016, chính là nhờ đồng nội địa mất giá, tạo sức cạnh tranh cũng như nhu cầu tăng từ thị trường Mỹ. Nhập khẩu đạt 420 tỷ USD tăng 8,6% so với năm 2016.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mexico: Ô tô; dầu thô; tivi màn hình phẳng; Máy móc tự động để xử lý thông tin; thiết bị điện tử; phụ tùng ô tô; điện thoại và thiết bị truyền thông; thiết bị y tế; phụ tùng lắp ráp hoặc sản xuất máy bay; tủ lạnh và thiết bị làm lạnh; bia; cà chua; quả bơ; rượu tequila; đường; hoa quả.
Mexico là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới với các sản phẩm như bia, cà chua, ớt, tiêu, dưa hấu, dưa chuột, chanh, bơ, hành, tequila, đu đủ và các loại khác.
Với 12 hiệp định thương mại tự do, phần lớn xuất khẩu của Mexico là cho các nước thành viên của hiệp định. Các thị trường xuất khẩu chính của Mexico: Mỹ, Canada, Brazil, Colombia, Tây Ban Nha, Đức và Trung Quốc. Trong đó Mỹ là nhà nhập hàng đầu của Mexico với trên 77% tổng xuất khẩu của Mexico, tiếp theo là Canada với 2,9%, Tây Ban Nha với 1,9% và các nước khác với 17,7%.
Về đầu tư, Mexico là một nơi hấp dẫn đối với thu hút đầu tư nước ngoài, với nhiều tài nguyên thiên nhiên, thị trường trên 120 triệu dân và có nhiều hiệp định thương mại tự do và đầu tư. Hàng năm Mexico thu hút trên 20 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mỹ là nước đầu tư nhiều nhất vào Mexico, chiếm 57,7% tổng đầu tư nước ngoài tại Mexico, tiếp đến là Tây Ban Nha, Nhật Bản và Pháp. Các lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nhất là chế tạo, truyền thông, dịch vụ tài chính, thương mại, xây dựng và dịch vụ.
Mặc dù đạt được những kết quả như vậy về thu hút đầu tư nước ngoài, Mexico vẫn phải đối mặt với những thách thức: duy trì và tăng sức hút đầu tư của mình khi mà sự cạnh tranh trên thế giới ngày càng tăng và củng cố khả năng để duy trì sự đầu tư hiện có; tạo ra các điệu kiện để đầu tư nước ngoại được thực hiện trên nhiều khu vực. Hiện tại 84% đầu tư nước ngoài tại Mexico tập trung ở 15 bang trong tổng 32 bang.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư
Thông tin chung
Đối với Mexico, việc mở cửa thương mại bắt đầu từ những năm 80 với việc tham gia Hiệp định GATT, áp dụng chính sách phát triển hướng ra bên ngoài. Đó chính là chính sách mở cửa, tư nhân hóa. Để thực hiện chính sách này, Mexico đã phải thực hiện nhiều điều chỉnh về khung pháp lý và các điệu kiện đầu tư, đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho đầu tư trong nước.
Năm 1994 Mexico ký kết hiệp định thương mại tự do đầu tiên NAFTA. Hiệp định này trở thành một nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho Mexico. Từ đây, nền kinh tế Mexico không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và trở thành một nền kinh tế có lĩnh vực chế tạo đầy tiềm năng. Hiện nay, xuất khẩu ô tô chiếm khoảng trên 30% tổng xuất khẩu, trong khi đó dầu mỏ chỉ chiếm khoảng 6%.
Trong thời gian gần đây, Mexico tiếp tục chiến lược mở cửa của mình. Cùng với việc cung cố mối quan hệ thương mại với các đối tác truyền thống, Mexico tìm kiếm các thị trường mới nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác chính như Mỹ. Trong những năm qua Mexico tích cực đẩy mạnh tiếp cận thương mại với Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand và Singapore.
Để hỗ trợ cho chính sách mở cửa, trong những năm qua Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong luật hai quan như:
– Nhà nhập khẩu có thể thực hiện thủ tục thông quan trực tiếp thông qua đại diện pháp lý của mình mà không cần yêu cầu dịch vụ môi giới hải quan như trước.
– Chính thức xóa bỏ hình thức nhận diện hải quan thứ 2 để đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, củng cố việc nhận diện hải quan thông qua công nghệ không xâm phạm.
– Áp dụng cửa sổ điện tử từ năm 2011 tại 9 đơn vị liên bang, 2 cơ quan quản lý, nhằm đơn giản và tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương. Về chi phí, xóa bỏ việc sử dụng giấy trong nhiều thủ tục xuất nhập khẩu, giảm chi phí tương đương 7 triệu Pesos hàng năm. Về thời gian, giảm 40% thời gian cho thủ tục thông quan nhập khẩu, giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày, xóa bỏ thời gian chờ trong việc xác thực giấy phép, tăng 900% khả năng hỗ trợ khách hàng.
– Thuế suất: Thuế suất trung bình giảm từ 6,2% năm 2012 xuống 5,6% năm 2016. Đặc biệt các hàng nông nghiệp giảm mạnh từ mức thuế 20,9% xuống 14,8%. Nhiều mặt hàng như thịt, dầu thực vật giảm từ trên 200% xuống 100%.
Các chính sách thúc đẩy tính cạnh tranh và tăng năng suất cho nền kinh tế
– Cải cách năng lượng: Tăng năng suất, đảm bảo việc cung cấp năng lượng cho lĩnh vực công nghiệp với giá thành cạnh tranh, ngoài ra hiện đại hóa công nghiệp thông qua đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.
– Cải cách truyền thông: Thúc đẩy tính cạnh tranh trong dịch vụ truyền thông, tạo ra thêm nhiều lựa chọn cho người sử dụng với giá tốt nhất.
– Cải cách cạnh tranh kinh tế: Củng cố sự canh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua các quy định để cung cấp chất lượng sản phẩm tốt hơn.
– Cải cách tài chính: Xây dựng các điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, cùng với nó kích thích năng suất và tính cạnh tranh ở lĩnh vực trong nước cũng như quốc tế.
– Cải cách thuế: Tăng cơ sở thu thuế với mục đích dùng cho đầu tư vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng để tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế đất nước.
– Cải cách lao động: Đơn giản hóa thị trường lao động bằng cách thúc đẩy hình thức chính thống, qua đó mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy năng suất của các doanh nghiệp.
– Cải cách giáo dục: Nâng cao điều kiện giáo dục, cung cấp nhiều nhân tố hơn cho học sinh, thanh thiếu niên để hội nhập tốt hơn và cùng với nó thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế.
– Cải cách chính trị, bầu cử: tăng cường thể chế và tính ổn định chính trị của đất nước, qua đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư, năng suất và tăng trưởng kinh tế.
– Cải cách về tính minh bạch: thúc đẩy việc kê khai tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá công chức nhà nước, cùng với nó cung cấp sự tin tưởng cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Các hiệp định thương mại đã ký
Mexico đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với 46 quốc gia, 32 thỏa thuận thúc đẩy và bảo vệ đầu tư với 33 quốc gia, 9 thỏa thuận bổ sung hợp tác kinh tế từng phần trong khuôn khổ ALADI và là thành viên CPTPP.
12 Hiệp định Thương mại tự do gồm
+ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA (1994);
+ Hiệp định thương mại tự do giữa Colombia, Venezuela và Mexico (1995);
+ Hiệp định thương mại tự do với Costa Rica (1995);
+ Hiệp định thương mại tự do với Nicaragua (1998);
+ Hiệp định thương mại tự do với Chile (1999);
+ Hiệp định thương mại tự do với EU (2000, đã được cập nhật 2018);
+ Hiệp định thương mại tự do với Israel (2000);
+ Hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu EFTA (2001);
+ Hiệp định thương mại tự do với Uruguay (2004);
+ Hiệp định thương mại tự do với các nước Trung Mỹ: Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua (2011);
+ Hiệp định thương mại tự do với Peru (2012);
+ Hiệp định thương mại tự do với Panama (2014).
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kĩ thuật thường được sử dụng
Khi việc nhập khẩu tăng nhanh gây ảnh hưởng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, Mexico sẽ xem xét việc áp dụng biện pháp phòng vệ. Trong các trường hợp áp dụng, Mexico đều thực hiện quy trình đúng với quy định của luật thương mại quốc tế, quy định của các Hiệp định thương mại tự do.
Trong những năm gần đây, Mexico đã chủ yếu sử dụng các biện pháp như chống bán phá giá và chống trợ cấp giá. Các nước bị áp dụng chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, ngoài ra còn có Brazil, Nga, Ucraina…
– Trung Quốc: Chống bán phá giá đối với Nấm, Natri hexametaphotphat, hàng gốm sứ, thép, sản phẩm từ thép, xe đạp, bút chì…
– Mỹ: Chống bán phá giá đối với mặt hàng thịt gà, dầu đậu tương, Natri hiđroxit…
– Ấn Độ: Chống trợ cấp giá đối với mặt hàng dược phẩm…
Trong hoạt động ngoại thương, Mexico có áp dụng một số các quy định và hàng rào phi thuế quan như:
– Hình thức định lượng: giấy phép xuất nhập khẩu; hạn ngạch; các biện pháp chống gian lận thương mại.
– Hình thức định tính: Quy tắc về nhãn mác, bao bì, đóng gói, kỹ thuật…; nguồn gốc xuất xứ; quy định vệ sinh; tiêu chuẩn chất lượng…
Với chính sách mở cửa thị trường, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Mexico đang tập trung xóa bỏ nhiều hàng rào phi thuế.
Ngoài ra, để bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước, Mexico đã tham gia một cách tích cực vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, Mexico đã thực hiện 5 quy trình giải quyết tranh chấp với vai trò là nguyên đơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, Mexico không tham gia vào vụ việc giải quyết tranh chấp nào với vai trò là bị đơn. Điều đó chứng tỏ Mexico đang thực hiện rất tốt các nghĩa vụ trong thương mại quốc tế.
– Năm 2012: Mexico kiện Trung Quốc liên quan tới các biện pháp hỗ trợ nhà sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc gây ảnh hưởng tới ngành dệt may Mexico
– Năm 2012: Mexico kiện Argentina do áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm ảnh hưởng tới xuất khẩu của Mexico sang Argentina như: thủ tục cấp phép nhập khẩu, thủ tục đánh giá tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu… Các biện pháp này theo Mexico là trái với quy định của GATT 1994.
– Năm 2017: Mexico kiện Costa Rica do áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hoặc cấm nhập khẩu quả bơ có nguồn gốc từ Mexico.
– Năm 2018: Mexico kiện Mỹ do áp thuế nhập khẩu cao đối với nhôm và thép từ Mexico.
Những vụ việc này đều được đưa lên WTO và chưa có phán quyết cũng như các nước liên quan chưa đạt được thỏa thuận.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Mexico
Thương mại
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mexico đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Từ 2009 trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng hơn 6,5 lần, nhập khẩu từ Mexico tăng hơn 4,8 lần; năm 2017, trao đổi thương mại đạt 3,1 tỷ USD, tăng 30,8% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, trao đổi thương mại hai nước đạt 4,9 tỷ USD trong năm 2017, giảm 2% so với năm 2016 (5,05 tỷ USD).
Tại Mỹ Latinh, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Brazil và Argentina. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 8 của Mexico tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Lĩnh vực chế tạo hiện là lĩnh vực năng động nhất và tăng trưởng lớn nhất trong trao đổi song phương. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại và linh kiện, giày dép; máy tính và phụ kiện, dệt may. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mexico máy vi tính, máy móc, phụ tùng và dụng cụ, và phế liệu sắt.
Về đầu tư
Đến nay, Việt Nam và Mexico chưa có dự án đầu tư nào tại hai nước. Tuy nhiên Việt Nam và Mexico có rất nhiều tiềm năng để hợp tác. Mexico với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, du lịch, nông nghiệp, chế biến đồ uống và thực phẩm, đặc biệt là ngành bia có thể đầu tư tại Việt Nam không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn cả thị trường ASEAN. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một cơ chế quan trọng để thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Mexico.
Các lĩnh vực mà Doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại thị trường Mexico là: dệt may, da giày, và nông sản (gạo, hàng thủy sản). Đây đều là những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và Mexico đang có nhu cầu.
Thủy sản (Tôm và cá đông lạnh)
Hàng năm Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh và khoảng 80 triệu USD tôm. Mexico là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Yếu tố về giá mang tính quyết định, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yếu tố này do đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mặt hàng cá đông lạnh hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Riêng đối với mặt hàng tôm, hiện Mexico đang có lệnh cấm nhập khẩu tôm từ một số nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Khi lệnh cấm được xóa bỏ chắc chắn với thế mạnh về chất lượng, giá cả tôm Việt Nam sẽ dễ dàng chiếm thị phần tại Mexico.
Gạo
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Mexico hiện phải nhập khẩu khoảng 900 nghìn tấn/năm. Nếu gạo Việt Nam cạnh tranh được về giá so với gạo của các đối thủ và đảm bảo chất lượng, Việt Nam sẽ trở lại là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của Mexico.
Dệt may, da giày
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico trên 100 triệu USD hàng dệt may, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ, Bangladesh, Ấn Độ. Kể từ sau khi trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP, nhiều nhà nhập khẩu mới của Mexico quan tâm tìm hiểu nhà cung cấp của Việt Nam. Đây là một cơ hội để gia tăng thị phần tại thị trường này. Hàng năm Mexico nhập khẩu hàng dệt may khoảng 1,8 tỷ USD, giày dép khoảng 1,1 tỷ USD.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Các quy định này được nêu cụ thể trong luật ngoại thương của Mexico. Được áp dụng phù hợp với các thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký.
Chính sách thuế và thuế suất
Mexico là thành viên của WTO và đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Các chính sách thuế và mức thuế đều thực hiện theo quy định của WTO và các hiệp định đã ký. Với chính sách hội nhập, Mexico từng bước cắt giảm nhiều dòng thuế. (Website: http://www.siicex-caaarem.org.mx)
Quy định về bao bì, nhãn mác
Quy định về bao bì và nhãn mác được ap dụng theo quy định chính thức số NOM-050-SCFI-2004. Đối với từng loại sản phẩm sẽ có những quy định riêng. Tuy nhiên một bao bì, nhãn mác cần có những thông tin: tên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mô tả thành phần sản phẩm, cảnh báo… Bao bì, nhãn mác có thể thể hiện bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh. Và đặc biệt cần thêm thông tin về nơi sản xuất hoặc nội dung tương tự.
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch
Quy định này nhằm mục đích bảo vệ cuộc sống và sức khỏe người dân, động vật và thực vật trên lãnh thổ Mexico; tạo điều kiện và tăng trao đổi thương mại trên thế giới… Đối với mỗi sản phẩm sẽ có những quy định riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch.
Quyền sở hữu trí tuệ
Tại Mexico, sở hữu trí tuệ được chia thành 2 lĩnh vực: quyền tác giả (tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật…) và sở hữu công nghiệp (sáng chế và đăng ký). Các quy định đối với quyền sở hữu trí tuệ nhằm mục đích ngăn cản việc sự dụng trái phép. Link website: http://www.diputados.gob.mx/LeyesBiblio/ref/lpi.htm
Tập quán kinh doanh
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Mexico bắt đầu quan tâm tìm hiểu các nhà cung cấp Việt Nam. Vì có nhiều năm làm ăn với Trung Quốc nên họ luôn so sánh giá chào của Việt Nam với Trung Quốc. Vì vậy, Doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì trong quá trình thương thảo và đưa ra giá chào hợp lý. Các doanh nghiệp Mexico cũng rất trọng chữ tín. Để giữ được đối tác cần duy trì tính ổn định về chất lượng sản phẩm.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương
Địa chỉ: Nhà B, 54 Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Điện thoại: +84 4 2220 5380
Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam
14 Thụy Khuê, phòng P033, quận Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: +84 (24) 3847-0948
Fax: +84 (24) 3847-0949
Email: contactmexvnm@sre.gob.mx
Bộ phận Lãnh sự: Lsvietnam@sre.gob.mx
Thị thực: Lsvietnam@sre.gob.mx
Tại Mexico
Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico
Sierra Ventana 255 col. Lomas de Chapultepec
Ciudad de México, C.P. 11000
Email: vietnammexico@gmail.com
Tel. 52(55) 5540 1632