Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Nhà nước I-xra-en
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Kinh tế I-xra-en là nền kinh tế thị trường dựa vào các tiến bộ khoa học công nghệ. Trong những năm qua, I-xra-en đã duy trì tỉ lệ tăng trưởng tương đối ổn định nhờ chính sách tài chính thận trọng của chính phủ. I-xra-en là một trong những quốc gia có hệ sinh thái công nghệ cao sôi động nhất trên thế giới với 5,2 tỉ USD vốn huy động từ các công ty công nghệ cao và 94 công ty I-xra-en được đăng ký trên sàn giao dịch NASDAQ (tính đến 2017). Thu nhập bình quân đầu người của I-xra-en đạt khoảng 42.120 USD, cao hơn cả Nhật Bản.
Cơ cấu kinh tế của I-xra-en rất tiên tiến với các ngành dịch vụ đóng góp tới 70% GPD, công nghiệp chiếm 25% GDP và nông nghiệp chỉ chiếm dưới 5% GDP. Các ngành sản xuất trọng điểm của I-xra-en gồm: các sản phẩm công nghệ cao, chế tác kim cương, sản phẩm kim loại, thiết bị điện tử, thiết bị vi sinh, sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm chế biến, hóa chất, dược phẩm, y tế và thiết bị vận tải. I-xra-en cũng có ngành công nghiệp phần mềm, viễn thông, chíp bán dẫn rất phát triển.
Do không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, I-xra-en phải dựa vào nhập khẩu nhiều mặt hàng như: xăng dầu, nguyên liệu thô, bột mỳ, ô-tô, kim cương thô… làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp. Trước đây, năng lượng phục vụ cho nền kinh tế chủ yếu phải nhập khẩu nhưng gần đây I-xra-en đã phát hiện mỏ khí gas tự nhiên Leviathan ở ngoài khơi, mở ra hy vọng có thể nâng cao khả năng tự bảo đảm nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Một số chỉ tiêu cơ bản
Nguồn: FocusEconomics
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
– Về xuất khẩu:
Trong nền kinh tế I-xra-en, xuất khẩu chiếm khoảng 40% GDP. Các lĩnh vực xuất khẩu chính gồm: kim cương, đá quý và các kim loại quý khác; thiết bị và máy móc điện tử, thiết bị vi tính và sản phẩm hoá chất…
+ Trong năm 2017, 10 mặt hàng xuất khẩu chính của I-xra-en chiếm 82,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cụ thể như sau:
Các đối tác xuất khẩu chính của I-xra-en là: Mỹ (28%), Hồng Công (8%), Bỉ, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc…
– Về nhập khẩu:
Trong 5 năm qua, kim ngạch nhập khẩu của I-xra-en duy trì ở mức tương đối ổn định (năm 2011 là 66,9 tỉ USD; năm 2016 là 66,2 tỉ USD). Năm 2017, I-xra-en đã nhập khẩu 69,1 tỉ USD hàng hoá trên toàn thế giới, tăng 5% so với năm 2016.
Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Kim cương thô (10,4%), ô-tô (7,38%), dầu thô, máy móc để chế tạo thiết bị bán dẫn, di động, dầu tinh chế, các loại hàng hoá tiêu dùng…
Các đối tác nhập khẩu chính của I-xra-en là: Châu Âu (42%), Châu Á (34%), Bắc Mỹ (12,5%), Châu Phi (0,6%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ một số đối tác chính cụ thể như sau: Mỹ (12,2%), Trung Quốc (8,9%), Thuỵ Sĩ (6,4%), Đức (6,1%), Bỉ (5,9%), Anh (5,5%), Hà Lan (4,1%).
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư (5 năm gần đây):
Định hướng trong chính sách thương mại đầu tư
Mục tiêu chính của chính sách thương mại I-xra-en là nhằm hội nhập nền kinh tế đất nước vào hệ thống thương mại toàn cầu, thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách về thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh, môi trường, sở hữu trí tuệ… Để thúc đẩy và duy trì sự cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, chính phủ I-xra-en luôn chú trọng mở rộng và nâng cấp hệ thống các hiệp định quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho thâm nhập thị trường, giảm bớt các hàng rào phi thuế quan và khuyến khích phát triển kinh tế trong dài hạn. Bên cạnh đó, chính phủ I-xra-en cũng quan tâm tăng cường hiệu quả phân bổ nguồn lực bằng cách thực hiện cải cách, giúp nâng cao sức cạnh tranh và tính minh bạch trong thị trường nội địa; đồng thời xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nhân và người tiêu dùng.
Là một nước nhỏ, nền kinh tế I-xra-en coi ngoại thương là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của đất nước. Với mục tiêu tăng cường vị thế trong thị trường quốc tế, I-xra-en coi các hiệp định song phương là trụ cột quan trọng trong chính sách thương mại. Các hiệp định thương mại song phương của I-xra-en chiếm khoảng 60% thương mại quốc tế của nước này.
Chính sách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
– Chính phủ I-xra-en tích cực ủng hộ và thúc đẩy dòng chảy ngoại tệ. Trung tâm Thúc đẩy Đầu tư, thuộc Bộ Kinh tế I-xra-en, là cơ quan phụ trách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Chính phủ I-xra-en đã ban hành Luật Khuyến khích vốn đầu tư nhằm thúc đẩy các sáng kiến kinh tế và nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Hai chương trình chính được xây dựng nhằm triển khai Luật này gồm: chương trình Phân bổ Vốn Đầu tư và chương trình Các Lợi ích về Thuế. Tháng 12/2016, Luật đã được sửa đổi nhằm xác định rõ các lợi ích về thuế đối với các công ty kỹ thuật.
Hệ thống pháp luật của I-xra-en bảo vệ quyền lợi của các thực thể trong và ngoài nước trong việc thành lập và sở hữu các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, cũng như đảm bảo quyền được đền bù của họ. Các doanh nghiệp tư nhân được tự do thành lập, sở hữu và phân bổ các lợi ích của doanh nghiệp. Chính phủ I-xra-en tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào tư nhân hóa các thực thể thuộc sở hữu nhà nước. Đó là chính sách của chính phủ nhằm đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công và tư, mặc dù sự độc quyền trong một số lĩnh vực vẫn gây cản trở cạnh tranh. Trong trường hợp xác định có sự độc quyền, nghĩa là các thực thể cung cấp hơn 50% nhu cầu trong thị trường thì chính phủ sẽ kiểm soát giá. Đầu tư vào các ngành công nghiệp có sự điều tiết (ví dụ ngành như ngân hàng, bảo hiểm…) cần được sự chấp thuận trước của chính phủ.
– Quy trình đăng ký kinh doanh tại I-xra-en tương đối rõ ràng và minh bạch. I-xra-en xếp thứ 41 trong danh mục “Bắt đầu Kinh doanh” trong Báo cáo Kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 9 bậc so với năm 2016. Bộ Kinh tế và Công nghiệp I-xra-en đã xây dựng trang website về “Đầu tư tại I-xra-en” (http://www.investinisrael.gov.il) để cung cấp thông tin cần thiết cho các công ty muốn bắt đầu kinh doanh và đầu tư tại I-xra-en.
Các FTAs chính hiện đang tham gia
I-xra-en đã ký một số hiệp định FTA với các nước và khối hợp tác kinh tế gồm: Mỹ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Séc, Hung-ga-ry, Ba Lan, Ru-ma-ni, Xlô-va-ki-a, Xlô-ven-ni-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Mê-hi-cô, Ca-na-đa, Cô-lôm-bi-a, Liên minh Châu Âu (EU), EFTA (Ai-xơ-len, Lích-ten-xtên, Na Uy và Thụy Sĩ), Pa-na-ma, U-crai-na. Hầu hết các FTA của I-xra-en chỉ bao gồm hàng hóa, riêng FTA với Cô-lôm-bi-a bao gồm các chương về dịch vụ và đầu tư.
I-xra-en cũng đã ký hiệp định kinh tế với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm: Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Pa-ra-guay, U-ru-guay và Vê-nê-du-ê-la.
I-xra-en cũng tham gia Hiệp định Hợp tác thương mại và kinh tế với Gioóc-đa-ni và duy trì liên minh thuế quan với chính quyền Pa-lét-xtin.
Hiện nay, I-xra-en đang trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Các biện pháp phòng vệ thương mại:
– Luật chống bán phá giá: Ngày 27/6/2005, Quốc hội I-xra-en (Knesset) đã thông qua việc sửa đổi Luật Thu Thuế Thương mại năm 1991, trong đó đưa ra một hệ thống chống bán phá giá mới đồng bộ với các nghĩa vụ và quy tắc quốc tế mà I-xra-en phải tuân thủ theo GATT/WTO.
Thông tin chi tiết, xin tham khảo tại: http://www.economy.gov.il/InternationalAffairs/Import/TradeLevies/DocLib1/N1ISR3.pdf.
– Các luật chống độc quyền:
(i) Luật hạn chế thương mại: Luật được đưa ra nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới sự cạnh tranh tự do trên thị trường. Luật cho phép Cơ quan Chống Độc quyền I-xra-en (IAA) hành động khi sự cạnh tranh tự do trong một thị trường hoặc một lĩnh vực nhất định có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hoạt động của một kinh doanh.
(ii) Luật khuyến khích cạnh tranh và giảm sự tập trung: Luật được ban hành vào năm 2013 và xử lý ba vấn đề chính nhằm khuyến khích cạnh tranh gồm: Sự xem xét cần thiết đối với thị trường khi phân bổ tài sản công; hạn chế quyền lực đối với các công ty kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; và tách rời các tập đoàn phi tài chính lớn và các tổ chức/thực thể tài chính lớn.
Các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện:
I-xra-en là thành viên của GATT kể từ ngày 5/7/1962, tham gia nhập WTO từ ngày 21/4/1995. Đến nay I-xra-en là bên thứ ba trong 09 vụ kiện tại WTO. (thông tin chi tiết tại: https://www.wto.org/english/thewto_e/countries_e/israel_e.htm)
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại
Kim ngạch thương mại Việt Nam – I-xra-en (2009 – 2017)
(Đơn vị: triệu USD)
Nếu như năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và I-xra-en mới đạt khoảng 68 triệu USD thì đến năm 2017, con số này đã lên tới trên 1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang I-xra-en đạt 712,1 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 345,3 triệu USD. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang I-xra-en đạt 424 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt 258 triệu USD. Hiện tại, Việt Nam đã xuất siêu sang I-xra-en với trị giá khá lớn.
Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang I-xra-en trong 5 năm gần đây gồm: Điện thoại di động và linh kiện, hàng thủy sản, hạt điều, giày dép, cà phê…
Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ I-xra-en gồm: các mặt hàng máy tính và linh kiện (bo mạch, thẻ nhớ), và các nguyên liệu đầu vào quan trọng như phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu… Thời gian gần đây, I-xra-en có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Nhìn vào cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và I-xra-en, có thể thấy phần lớn xuất khẩu của Việt Nam vẫn là hàng ít chế biến và các sản phẩm tiêu dùng, trong khi I-xra-en tập trung hơn vào các sản phẩm công nghệ cao.
Đầu tư
Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2018, I-xra-en có 26 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 68,4 triệu USD, đứng thứ 55 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư I-xra-en chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, du lịch và ngày càng quan tâm tới lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây, tiềm năng thúc đẩy đầu tư từ I-xra-en là rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực thế mạnh như: công nghệ sinh học, công nghệ xử lý nước, viễn thông…
Chính phủ Việt Nam và I-xra-en đã ký Nghị định thư về hợp tác tài chính vào năm 2007 với tổng giá trị tín dụng là 150 triệu USD, phía I-xra-en sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn từ 8-10 năm với lãi suất ưu đãi, điều kiện đơn giản và thủ tục nhanh gọn cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các hàng hoá có sử dụng công nghệ của I-xra-en. Tháng 11/2011, Chính phủ hai bên đã ký bổ sung Nghị định thư hợp tác tài chính với trị giá tăng thêm 100 triệu USD. Hiện hai bên đang xem xét để có thể đàm phán lại về các điều kiện cho vay nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng vốn vay để nhập khẩu công nghệ của I-xra-en cho các dự án tại Việt Nam.
Một số tập đoàn hàng đầu của I-xra-en cũng mong muốn đầu tư tại Việt Nam trên lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, hệ thống phân phối xăng dầu, năng lượng, bảo hiểm, ngân hàng, khách sạn, hệ thống xử lý nước mặn, nước thải, xây dựng thành phố thông minh… Một số dự án hợp tác đầu tư nổi bật với I-xra-en của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã có hiệu quả như dự án nuôi bò sữa của Tập đoàn TH True Milk, dự án sản xuất rau của quả và trái cây của Tập đoàn Vingroup….
Các thỏa thuận đã ký kết:
Cho đến nay, Việt Nam và I-xra-en đã trải qua 5 vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA). Phiên đàm phán thứ 5 diễn ra tại Giê-ru-sa-lem vào tháng 6/2018. Hiện nay, quá trình đàm phán đang đi vào các nội dung cụ thể thực chất. Đáng lưu ý, kể từ khi khởi xướng đàm phán VIFTA giữa hai nước vào tháng 3/2016, nhập khẩu từ I-xra-en có xu hướng giảm mạnh và Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu sang I-xra-en với trị giá khá lớn.
Tổng quan
Tuy là một thị trường nhỏ nhưng giữa Việt Nam và I-xra-en còn rất nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư song phương. I-xra-en có nền kinh tế thị trường tự do, coi hoạt động ngoại thương là động lực phát triển và là cốt lõi của nền kinh tế. Đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 44 trên thế giới.
Nền kinh tế hai nước mang tính bổ sung cho nhau. Mặc dù nền nông nghiệp của I-xra-en được ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ nhưng năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên I-xra-en vẫn phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm và đồ uống. Các thương nhân I-xra-en nhìn chung làm ăn nghiêm túc và ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Nhiều mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như một số hoa quả tươi, hàng thủy sản, gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng… vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường I-xra-en.
Tổng quan
Các quy định về xuất nhập khẩu:
Giấy phép nhập khẩu là cần thiết đối với một số loại hàng hoá nhất định. Quyền cấp giấy phép thuộc về các Bộ, ngành khác nhau trong chính phủ I-xra-en như Bộ Kinh tế hoặc Bộ Y tế (tuỳ thuộc vào loại hàng hoá). Giấy phép nhập khẩu có thể được yêu cầu vì một số lý do như: (i) Hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ một số quốc gia có lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu từ I-xra-en; (ii) Bảo hộ các sản phẩm nội địa; (iii) Bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo trật tự nơi công cộng và sức khỏe cộng đồng; (iv) Phân bổ hạn ngạch nhập khẩu với các mức thuế suất ưu đãi. Một nhà nhập khẩu muốn đăng ký giấy phép nhập khẩu bắt buộc phải là công dân hoặc một công ty đăng ký tại I-xra-en.
Chính sách thuế và thuế suất:
* Thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối với các công ty thường trú và không cư trú: Thuế được đánh vào thu nhập của công ty (không tính đến thuế đối với chủ sở hữu của công ty với tư cách cá nhân). Các công ty đặt tại I-xra-en phải chịu thuế đối với các nguồn lợi nhuận thu được trên toàn thế giới. Một công ty không đặt tại I-xra-en chỉ phải chịu thuế đối với các nguồn lợi nhuận thu được từ I-xra-en, trong đó bao gồm nguồn thu nhập từ một cơ sở thường trú của I-xra-en hoặc nguồn thu nhập được tích luỹ và sản xuất tại I-xra-en.
Kể từ tháng 01/2018, thuế thu nhập doanh nghiệp của I-xra-en là 23%. Điều quan trọng cần lưu ý là I-xra-en đưa ra mức thuế doanh nghiệp thấp hơn thông qua các lợi ích về thuế. Ví dụ, các doanh nghiệp được ưu đãi đặc biệt (Special Priority Enterprises) và các doanh nghiệp được ưu đãi (Priority Enterprises) sẽ phải trả mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn từ 5% đến 16% (được quy định trong Luật Khuyến khích Vốn Đầu tư của I-xra-en).
*Thuế đối với cổ tức:
– Cổ tức mà một công ty I-xra-en trả cho một công ty (nước ngoài hoặc I-xra-en) từ nguồn thu nhập có được trong sản xuất hoặc tích luỹ tại I-xra-en thì sẽ được miễn thuế. Cổ tức trả cho các công ty I-xra-en từ nguồn thu nhập có được trong sản xuất, tích lũy, hoặc cổ tức nhận được từ nước ngoài phải chịu mức thuế 25%.
– Cổ tức trả cho các cổ đông nắm giữ dưới 10% cổ phần của công ty phải chịu mức thuế khấu lưu 25%. Cổ tức trả cho các cổ đông lớn hơn, nắm giữ trên 10% cổ phần của công ty (hoặc nắm giữ trên 10% cổ phần của công ty trong năm trước đó) phải chịu thuế khấu lưu 30%.
* Thuế đối với khoản lãi vốn:
Khoản lãi vốn là khoản chênh lệch giữa số tiền bồi thường mà chủ tài sản nhận được khi bán tài sản và giá gốc của tài sản đó. Thuế suất đối với vốn bao gồm phần lạm phát và phần giá trị thực. Trong trường hợp tài sản được mua sau ngày 31/12/1993, tất cả các phần giá trị lạm phát đều được miễn thuế.
Đối với các công ty, mức thuế suất đối với khoản lãi vốn của một công ty thường là mức thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình (23%). Đối với các cá nhân, thuế đối với khoản lãi vốn sẽ là mức thuế suất cận biên theo khung thuế cá nhân.
* Thuế đô thị: Thuế bất động sản đô thị được tính trên mỗi mét vuông của tài sản và đánh vào chủ sở hữu tài sản, bất kể người đó sở hữu hay cho thuê tài sản. Thuế đô thị được áp dụng cho đất xây dựng, đất nông nghiệp và đất bị chiếm đóng. Thuế đô thị có sự khác biệt lớn giữa những chính quyền các thành phố khác nhau tại I-xra-en và giữa các khu vực khác nhau của cùng một chính quyền thành phố.
* Thuế nhập khẩu: Thuế nhập khẩu ở I-xra-en thuộc thẩm quyền của Cơ quan thuế I-xra-en (ITA). I-xra-en là thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới và sử dụng hệ thống HS (Hệ thống hài hòa) để phân loại thuế quan. I-xra-en cũng đã ký Hiệp định GATT, theo đó, hóa đơn là cơ sở để tính thuế quan. Các thông tin cụ thể về thuế nhập khẩu và phân loại thuế có trong sách hướng dẫn “Thuế nhập khẩu và thuế mua hàng” do ITA xuất bản.
Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 7/2018, I-xra-en có một số thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính I-xra-en đã ký lệnh cho phép giảm thuế nhập khẩu đối với xe buýt điện từ mức hiện hành 7% xuống còn 0% và có hiệu lực trong vòng 4 năm. Quy định này nhằm khuyến khích chuyển sang sử dụng xe buýt điện để tạo điều kiện cho việc giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn do các xe buýt ở I-xra-en hiện đang chạy bằng dầu đi-ê-ren.
* Thuế giá trị gia tăng (VAT): VAT hiện nay tại I-xra-en là 17%.
* Thuế thu nhập cá nhân: Thuế thu nhập của I-xra-en phụ thuộc vào mức thu nhập của mỗi người. Thuế đánh vào thu nhập cá nhân hàng năm của cá nhân với khung thuế suất tăng dần từ 10-50%. Thông tin chi tiết xin tham khảo tại: https://taxes.gov.il/English/customs/Pages/TaxesCustomsLobby.aspx.
Quy định về bao bì, nhãn mác:
– Về đóng gói, bao bì: I-xra-en có những yêu cầu nghiêm ngặt về bao bì và nhãn mác. Việc đóng gói cần tuân thủ luật bảo vệ người tiêu dùng. Dán nhãn về thông tin dinh dưỡng là bắt buộc đối với tất cả các loại thực phẩm đóng gói.
– Về các ngôn ngữ được phép ghi trên bao bì và nhãn mác: Các thông tin luôn phải viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Tiếng Anh có thể được sử dụng nhưng kích cỡ chữ không được to hơn chữ Do Thái. Nội dung thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái phải giống nhau.
– Nhãn mác cần ghi rõ các thông tin như: Xuất xứ quốc gia, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, tên và địa chỉ nhà nhập khẩu I-xra-en, miêu tả thành phần, trọng lượng và khối lượng sản phẩm bằng đơn vị đo lường.
– Các quy định khác: Một số sản phẩm cụ thể phải tuân thủ các quy định đặc biệt về nhãn mác như: gỗ, các thiết bị điện tử gia dụng, quần áo, giày dép, túi, thảm…
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch:
Thực phẩm nhập khẩu vào I-xra-en phải tuân thủ các quy định và chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Có rất nhiều luật, quy định, tiêu chuẩn, thủ tục và hướng dẫn dành riêng cho từng loại thực phẩm nhập khẩu.
Đặc biệt đáng lưu ý, giấy chứng nhận Kosher (Kosher là các luật nghiêm ngặt về chế độ ăn uống bắt nguồn từ Do Thái giáo, được áp dụng trong trồng trọt và chế biến thực phẩm, đối với cả động vật sống và thực phẩm chế biến) là cần thiết để nhập khẩu thực phẩm vào I-xra-en khi người nhập khẩu muốn tiếp thị sản phẩm “Kosher”. Trưởng Giáo sĩ của I-xra-en (The Chief Rabbinate of Israel) chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận Kosher; một số cơ quan giáo sĩ tại nước ngoài cũng có thể cấp giấy chứng nhận này.
Bốn cơ quan chịu trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm và chăn nuôi của I-xra-en gồm: (i) Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm (FCS) thuộc Bộ Y tế (MoH); (ii) Viện Tiêu chuẩn I-xra-en (SII); (iii) Cơ quan Thú y và Sức khỏe Động vật (IVAHS) và (iv) Cơ quan Bảo vệ và Kiểm tra Cây trồng (PPIS) (cả IVATHS và PPIS đều thuộc Bộ Nông nghiệp). FCS chịu trách nhiệm cấp phép cho thực phẩm nhập khẩu. (Thông tin chi tiết xin tham khảo tại: www.health.gov.il)
Quyền sở hữu trí tuệ
Văn phòng Sáng chế I-xra-en (IPO) chịu trách nhiệm quản lý việc đăng ký các bằng sáng chế, thiết kế và thương hiệu. IPO hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp.
– Bằng sáng chế: Bằng sáng chế tại I-xra-en được quản lý theo Luật Sáng chế năm 1967. Theo luật này, người có một phát minh mang tính sáng tạo cao, có tiềm năng hữu dụng thì có đủ điều kiện để nộp đơn xin đăng ký bằng sáng chế. Các bằng sáng chế được IPO bảo vệ về mặt pháp lý tại I-xra-en.
I-xra-en là thành viên của Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Kể từ khi gia nhập Hiệp ước vào năm 1996, công dân I-xra-en hoặc cư dân sinh sống tại đất nước này có thể nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế để được nhận sự bảo hộ quốc tế cho phát minh của họ.
– Thiết kế: IPO chịu trách nhiệm xét duyệt các đăng ký thiết kế. Một thiết kế đã đăng ký tại IPO cho phép chủ sở hữu được độc quyền sử dụng thiết kế này tại I-xra-en. Ngoài ra, I-xra-en là thành viên của Hiệp ước Pa-ri, do đó, người nộp đơn đăng ký bản quyền thiết kế tại I-xra-en có thể yêu cầu ngày ưu tiên giống nhau cho cùng một sản phẩm tại các quốc gia thành viên khác.
– Thương hiệu: IPO cũng chịu trách nhiệm xử lý các đăng ký thương hiệu. Một thương hiệu được đăng ký tại I-xra-en sẽ chỉ được bảo vệ về mặt lãnh thổ và chỉ có hiệu lực theo pháp luật I-xra-en. Israel đã gia nhập Nghị định thư Madrid, theo đó, một người I-xra-en khi đăng ký thương hiệu chỉ cần nộp một đơn duy nhất nhưng đơn này sẽ tự động được chuyển đến hơn 90 quốc gia thành viên khác. Các hồ sơ sẽ được xử lý trên Hệ thống Madrid.
Tập quán kinh doanh
Cách tốt nhất để bắt đầu kinh doanh tại thị trường I-xra-en là xác định kênh phân phối và bán hàng phù hợp bởi chúng khác nhau theo từng loại sản phẩm. Các đại lý thường sẽ yêu cầu được độc quyền do quy mô nhỏ của thị trường I-xra-en. Hầu hết hàng tiêu dùng được bán thông qua các nhà nhập khẩu và phân phối, tuy nhiên ngày càng nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại nhập khẩu trực tiếp mà không thông qua trung gian.
Nhượng quyền thương mại là cách thức kinh doanh ngày càng phổ biến tại I-xra-en kể từ thời kỳ giữa thập niên 80. Chính phủ I-xra-en khuyến khích hình thức liên doanh và cấp phép cho một thỏa thuận kéo dài 5 năm, với điều khoản tự động gia hạn. Các ngành công nghiệp trong nước thường muốn mua hàng hóa thông qua đại lý để được nhận dịch vụ sau bán hàng.
Các công ty nước ngoài có thể hoạt động tại I-xra-en với tư cách các công ty nước ngoài, các đối tác nước ngoài hoặc bằng cách thành lập văn phòng chi nhánh. Không có hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với cổ phần các công ty hay chứng khoán của I-xra-en.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: +84-24- 22205425
Fax: +84-24-22205518
Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: +84-24-73037898
Fax: +84-24-73037897
Đại sứ quán I-xra-en tại Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 10 – Tháp Hà Nội, 49 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024 3718 7500
E-mail: info@hanoi.mfa.gov.il
Tại địa bàn
Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại I-xra-en
Địa chỉ: 4th floor, Beit Asia, 4 Weizman, Tel Aviv, Israel
Tel : (972) 36966304, (972) 36966311;
Fax: (972) 36966243
Email: vnembassy.il@mofa.gov.vn, vnembassy.il@gmail.com
Website: vietnamembassy-israel.org
Văn phòng Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại I-xra-en
Ông Lê Thái Hoà, Tham tán Thương mại
Điện thoại: +972- 54-2912951
E-mail: HoaLT@moit.gov.vn và hoalethai@yahoo.com
Văn phòng Đại sứ quán:
Bà Trần Hà Ly, Bí thư thứ Ba,
Điện thoại: +972-52-4470998
E-mail: tranhaly@gmail.com