Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương… từ đó đưa ra giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vùng, tỉnh Lai Châu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế – xã hội tăng trưởng khá, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Xác định phát triển kinh tế vùng đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và ổn định, UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch: tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, đến năm 2020 tỉnh; phát triển kinh tế vùng kinh tế nông – lâm sinh thái sông Đà tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Trên cơ sở đó, hàng năm tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với từng vùng; đồng thời tập trung triển khai các quy định, chính sách mới ban hành về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư không phù hợp. Tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của Nhân dân. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trong đó có 10 đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình một cửa điện tử; triển khai song song 2 hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo ngành Ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động, giúp doanh nghiệp và người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay. Đến cuối tháng 6/2018, tổng huy động vốn đạt 15.772 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 15.149 tỷ đồng… Các nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế và cá nhân.
Với sự quan tâm, sát sao trong lãnh, chỉ đạo và những chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển kinh tế vùng, Lai Châu đã từng bước phát huy lợi thế vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, việc quy hoạch sản xuất kinh tế vùng đã giúp nền kinh tế có những chuyển biến rõ rệt. Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D (bao gồm thành phố Lai Châu, các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên) đã tập trung khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào phát triển cây lương thực có hạt, từng bước chuyển đổi diện tích đất có hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: mắcca, quế, sơn tra; hình thành các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung. Đến nay, diện tích trồng lúa trong vùng đạt 21.145ha, ngô đạt 13.606ha, tổng sản lượng lương thực toàn vùng đạt 149.934 tấn (vượt kế hoạch 4,5%), diện tích trồng cây chè đạt 5.615ha (vượt kế hoạch 29%, sản lượng đạt 27.998 tấn). Cây cao su đạt 2.442ha, trong đó đã đưa vào khai thác được 502ha. Cây sơn tra 1.402,71ha chủ yếu tập trung tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên và Tam Đường; quế 3.130,89ha, mắc ca 1.009,4ha. Sản xuất công nghiệp tập trung vào sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản… với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu: đá xây dựng 369.410.000 m3 (chiếm 55,3% so với toàn tỉnh), gạch xây các loại 45.825 triệu viên (chiếm 66,5%), chè khô các loại 5.382 tấn (chiếm 99,9%), nước máy sản xuất 3.696.000m3 (chiếm 94,7%). Điểm nổi bật trong phát triển thương mại đó là hệ thống chợ, siêu thị được mở rộng, phát huy hiệu quả. Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) 3.054 tỷ đồng (chiếm 60% so với toàn tỉnh); kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng giai đoạn 2016-2018 ước đạt 50,21 triệu USD, chiếm 77,8% toàn tỉnh.
Đối với vùng kinh tế nông – lâm nghiệp sinh thái sông Đà (gồm 2 huyện Nậm Nhùn, Mường Tè và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ), sản xuất nông, lâm nghiệp cũng có bước phát triển vươt bậc. Trong đó, nổi bật là cây cao với 10.754ha, diện tích đưa vào khai thác năm 2018 là 2.943ha, sản lượng trung bình 8,3 tạ/ha, năng suất đạt 2.435 tấn. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà máy chế biến mủ cao su nên chủ yếu người dân khai thác và bán ở dạng thô. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng hiện có trong toàn vùng là 288.619ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,7%. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng công nghiệp thủy điện, đến nay sản lượng điện phát ra chiếm 80% so với toàn tỉnh, quặng các loại 4.000 tấn (chiếm 100%), đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách tỉnh.
Riêng vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ (gồm 9 xã vùng cao huyện Sìn Hồ), là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu như: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng huyện Sìn Hồ, công nhận điểm du lịch núi Đá Ô, động Quan Âm; nâng cấp tôn tạo khu danh lam thắng cảnh núi Đá Ô, xây dựng tuyến đường hạ tầng du lịch thị trấn Sìn Hồ… Đến nay, toàn vùng có 13 cơ sở lưu trú với 70 phòng nghỉ. Diện tích trồng cây dược liệu toàn vùng đến năm 2018 đạt 485ha.
Theo đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, với những hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, định hướng tổ chức không gian kinh tế – xã hội các vùng kinh tế trong tỉnh đã bảo đảm phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách để thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, gắn với phát triển toàn diện văn hóa xã hội; đào tạo nghề và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực… đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, trung bình giảm 4,95%/năm (vượt so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã đề ra), ước đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 25,55%; 2 huyện (Than Uyên, Tân Uyên) đề nghị Chính phủ công nhận thoát nghèo.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng theo hướng sản xuất hàng hoá, chính quyền tỉnh đã đề ra và quyết tâm thực hiện một số một giải pháp, trong đó, chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý, đúng mục đích; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông – lâm nghiệp. Áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp, tổ chức; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thương hiệu, kết nối thị trường… nhằm tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Triển khai có hiệu quả các quy hoạch theo định hướng phát triển của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng hiệu quả… Góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, diện mạo đô thị, nông thôn vùng cao Lai Châu có nhiều khởi sắc, tạo bước đột phá để phát triển bền vững.
Nguồn: Baolaichau.vn