Hiệp định UKVFTA: Sau 3 năm thực thi, cơ hội thu hút đầu tư từ Anh vẫn rất lớn

0
12
Hiện, Vương quốc Anh thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. (Nguồn: vneconomy)

Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức được thực thi từ năm 2021. Sau gần 3 năm, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh sau khi Hiệp định UKVFTA đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Bằng việc loại bỏ hầu hết các rào cản thuế quan và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, UKVFTA đã trở thành một yếu tố xúc tác mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư Anh đến với thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Việt Nam, với lợi thế về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng với sự ổn định về chính trị, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. UKVFTA càng củng cố thêm vị thế này bằng cách tạo ra một khung pháp lý minh bạch và ổn định, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc giảm thiểu rào cản thuế quan đã giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Anh đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam như chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin.

Kết quả trên thực tế là, nếu như năm 2021, năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, Vương quốc Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD. Còn đến thời điểm này, Vương quốc Anh đã đầu tư tại Việt Nam với tổng cộng 567 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 4,5 tỷ USD. Hiện, Vương quốc Anh thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Các địa phương thu hút nhiều dự án từ Anh bao gồm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, và Long An. Về lĩnh vực đầu tư, hiện các doanh nghiệp Anh đang quan tâm đầu tư, tăng cường hợp tác tại Việt Nam, bao gồm: Năng lượng tái tạo như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực giáo dục, y tế đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô… Điều này được đánh giá là góp phần tạo thêm những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

Tại Tọa đàm “Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư Vương quốc Anh” tổ chức mới đây, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham Việt Nam) – Denzel Eades nhận định, Hiệp định UKVFTA đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và nơi các doanh nghiệp Anh đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư và kinh doanh của các công ty Anh tại Việt Nam, theo ông Denzel Eades là tích cực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, tài chính, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Các công ty Anh đã tận dụng thành công nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam, môi trường đầu tư thuận lợi và lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao để mở rộng hoạt động.

“UKVFTA đã hỗ trợ thêm cho điều này, tạo ra môi trường hấp dẫn cho thương mại và đầu tư bằng cách giảm thuế quan và tạo điều kiện tiếp cận thị trường dễ dàng hơn”- Denzel Eades nói và cho biết thêm, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam mang đến những cơ hội đáng kể cho các công ty Anh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bán lẻ, công nghệ, hàng tiêu dùng và giáo dục. Mặt khác, lực lượng lao động có tay nghề của Việt Nam được doanh nghiệp quan tâm, bởi lực lượng này cung cấp các kỹ năng cần thiết cho sản xuất công nghệ cao và các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hiệu quả về chi phí, với chi phí lao động tương đối thấp so với các nền kinh tế khác trong khu vực, cho phép hoạt động có lợi nhuận, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhiều hiệp định thương mại khác nhau như UKVFTA… tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi thế này, Chủ tịch BritCham Việt Nam cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư Anh cũng phải đối mặt với một số thách thức và trở ngại trong quá trình triển khai dự án của họ tại Việt Nam. Trong đó, dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc đơn giản hóa các quy định kinh doanh, một số nhà đầu tư Anh vẫn phải đối mặt với nhiều thủ tục phức tạp, có thể làm chậm trễ các dự án và làm tăng chi phí. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hoặc các khu vực kém phát triển. Điều này có thể tác động đến chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch BritCham Việt Nam Denzel Eades nhấn mạnh, nhờ UKVFTA, các doanh nghiệp Anh đã có một khuôn khổ pháp lý vững chắc để mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng cao. Điều này không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả hai nước.

Quy mô đầu tư của Anh vào Việt Nam được đánh giá là chưa phản ánh đúng tiềm năng của một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD).

Trong khi đó, đánh giá về đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng đã nhấn mạnh con số đạt được là khiêm tốn so với tiềm năng thực sự khi các tập đoàn năng lượng lớn của Anh triển khai các dự án tại Việt Nam với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD trong thời gian tới, cùng với đó là triển vọng thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn khác của Anh vào Việt Nam.

Cùng với đó, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, hai nước đang mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam thông qua tài chính xanh, như phát hành trái phiếu xanh. Điều này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vương quốc Anh còn cam kết hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của thành phố này trên bản đồ tài chính khu vực và toàn cầu.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ hội để thu hút đầu tư từ Vương quốc rất lớn, nhất là Hiệp định UKVFTA sẽ là một động lực lớn cho các hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI và kêu gọi các doanh nghiệp Anh tham gia nâng cao chuỗi giá trị của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra không ít trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư từ Vương Quốc Anh khi một số khu vực của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về công nghệ và chuyển đổi số mà nhà đầu tư Anh đặt ra. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm và năng lực quản trị hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài còn yếu.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here