- Đặt vấn đề
Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã có truyền thống uống chè và trồng chè nên cây chè được trồng rộng rãi phủ khắp các miền núi trong cả nước. Hiện nước ta có diện tích khoảng 124.000 ha, thu hút khoảng 3 triệu lao động tham gia, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/ha (Bộ Công Thương, 2017). Tuy nhiên, đối với những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như EU thì thị phần chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ. Thị trường này luôn được các nhà xuất khẩu trên thế giới coi là một thị trường tiềm năng với hơn 500 triệu người có nhu cầu rất lớn đối với những sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và có lợi cho sức khỏe. Thực tế cho thấy hầu hết những sản phẩm khi đã được EU chấp nhận thì cũng có thể dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khác. Trong các chính sách thương mại của Nhà nước, luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng trong nhiều năm qua. Việc ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và có hiệu lực bắt đầu từ năm 2018 sẽ mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và EU.
- Hiệp định EVFTA và các qui định của EU đối với hoạt động xuất khẩu chè
Trong các Hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán ký kết, EVFTA được đánh giá là Hiệp định thế hệ mới với sự mở cửa toàn diện, sâu rộng nhất và có tác động mạnh nhất tới kinh tế Việt Nam.
2.1. Hiệp định EVFTA
EU là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới và là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016 kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 45,1 tỷ USD năm 2016. Chỉ riêng trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam sang EU (45,1 tỷ USD) tăng 8,93%, xuất khẩu từ Việt Nam (34 tỷ USD) tăng 9,8%; nhập khẩu vào Việt Nam (11,1 tỷ USD) tăng 6,1% so với năm 2015. Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường EU, năm 2016 giá trị xuất siêu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi giá trị nhập khẩu vào Việt Nam từ thị trường EU (Bộ Công Thương, 2017).
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, theo báo cáo của Liên minh EU (2013). Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa: Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại… tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, thông qua việc Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp chế biến chè Việt Nam tiếp cận thị trường lớn như EU và được miễn thuế đối với rất nhiều mặt hàng nông sản trong đó có sản phẩm chè. Ngoài ra, Hiệp định sẽ là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư quy mô lớn với các dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến… Đối với lĩnh vực đầu tư, sẽ giúp thúc đẩy các luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, EVFTA cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu doanh nghiệp không thay đổi để thích ứng. Với điều kiện như Việt Nam hiện nay, rõ ràng, Việt Nam dễ chịu tác động, ảnh hưởng từ những biến động khác trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc Anh ký quyết định tách ra khỏi EU vào ngày 24/6/2016 cũng là một bất lợi cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè của Việt Nam trong tương lai, bởi Anh là một trong những nước tiêu thụ chè lớn nhất EU.
2.2. Các qui định về tiêu chuẩn, chất lượng đối với hoạt động nhập khẩu chè của EU
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: Đối với sản phẩm chè nhập khẩu vào EU, quy định cụ thể trong Luật thực phẩm EU (General Food Law). Luật thực phẩm quy định việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và thực hiện các biện pháp trong trường hợp phát hiện chè không an toàn. Kiểm soát vấn đề này thông qua việc rà soát các chuỗi cung ứng từ khâu truy xuất nguồn gốc xuất xứ trong toàn bộ chuỗi cung cấp. Theo Bộ Công Thương (2015), hệ thống quy định và tiêu chuẩn đối với chè nhập khẩu của EU phức tạp và rất nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP tại EU như sau:
Hệ thống quy định HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point Sysem) là Hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình SX và chế biến thực phẩm. Chè nhập khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc về kiểm soát chính thức và những sản phẩm không đạt các nguyên tắc đó sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường EU và nếu như nhiều lần không tuân thủ thì quốc gia đó sẽ bị liệt vào danh sách trong Phụ lục của Quy định (EC) 669/2009.
Quy trình thực hành canh tác nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practices) là những nguyên tắc được thiết lập để đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, chè không có các tác nhân gây bệnh. GAP là quy trình bao gồm từ khâu lựa chọn địa điểm, sử dụng đất đai, phân bón, thuốc trừ sâu đến thu hoạch, đóng gói, bảo quan và vận chuyển sản phẩm để phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm đảm bảo VSATTP, an toàn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tiêu chuẩn chất lượng, quản lý thực phẩm và nguồn gốc rõ ràng: Chất lượng sản phẩm chè tại EU được dụng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Một số hệ thống quản lý thực phẩm uy tín tại thị trường EU như: BRC, IFS, ISO22000 và SQF, những hệ thống này chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp đóng gói sản phẩm (không liên quan nhiều đến người trồng chè và thương nhân).
Global G.A.P là một cơ quan đặt ra tiêu chuẩn kinh doanh chứng nhận các sản phẩm nông sản, tập trung vào thực tiễn nông nghiệp tốt giúp đem lại các sản phẩm an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc. Chè Global G.A.P tập trung chủ yếu vào quá trình sản xuất ban đầu. Global G.A.P được sử dụng rộng rãi và áp dụng cho sản phẩm chè nhập khẩu tập trung vào việc sản xuất và được các nhà bán lẻ yêu cầu áp dụng.
- Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu chè của Việt Nam sang EU
3.1. Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam sang EU
Hiện nay, trên cả nước có 34 tỉnh thành trồng chè với diện tích khoảng 124.000 ha với khoảng 3 triệu lao động tham gia, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/ha, Bộ Công Thương (2017). Về sản lượng xuất khẩu, Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka, sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đối với những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như EU thì thị phần chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ.
Một điều đáng lưu ý là so với các đối thủ cạnh tranh, giá chè của Việt Nam hiện nay đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Mặc dù đều được thu mua ở dưới dạng nguyên liệu thô, nhưng sở dĩ chè của Việt Nam bị các nhà nhập khẩu, lái buôn ép giá do nguyên nhân chính là bởi chất lượng chưa đạt chuẩn với các qui định của EU đưa ra và vấn đề VSATTP. Hơn nữa, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu.
3.2. Cơ hội cho xuất khẩu chè của Việt Nam
Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do đó, việc ký kết hiệp định thương mại EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía. Trong đó là các cơ hội dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam như:
(1) Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết thành công tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên, các doanh nghiệp chế biến chè Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu chè sang thị trường EU.
(2) Với việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% sẽ tạo ra cơ hội nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ nguồn, tiên tiến từ thị trường EU.
(3) Tiếp cận được phương pháp nhân giống và kỹ năng trồng trọt mới cho ra những loại chè mới có giá trị kinh tế cao.
(4) Xu hướng uống trà của người tiêu dùng trên thế giới ngày càng gia tăng nhằm nâng cao sức khỏe.
(5) Cơ hội gia tăng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến chè của EU có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất, xuất khẩu chè trên thế giới cũng như cơ hội tiếp xúc với các công nghệ sản xuât tiên tiến, kỹ năng quản lý hiện đại, kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển trong khối EU.
(6) Cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU: EVFTA sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi.
3.3. Thách thức đối với xuất khẩu chè của Việt Nam
Bên cạnh những cơ hội thì tồn tại một số những hạn chế và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường EU như:
(1) Yếu tố chất lượng dịch vụ và hàng hóa ngày càng được yêu cầu cao: Người tiêu dùng EU không chỉ quan tâm đến sản phẩm mà còn ngày càng quan tâm đến doanh nghiệp và cách thức làm ra sản phẩm đó. Sản phẩm của các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội và môi trường ngày càng ít có chỗ đứng trên thị trường EU. Yêu cầu đặt ra là chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đặc biệt là đồ uống như chè phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về Luật Thực phẩm và các quy định riêng cho từng loại sản phẩm hàng hóa cụ thể.
(2) Những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng là trở ngại lớn đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường EU. Yêu cầu này là hoàn toàn hợp lí đứng từ góc độ lợi ích (lợi ích lớn nhất có được từ việc ký kết EVFTA là việc EU cắt giảm thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam).
(3) Những yêu cầu chặt chẽ của EU về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ cũng được coi là một rào cản lâu đời đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.
(4) Sự thiếu thông tin của các doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do. Nhiều doanh nghiệp chế biến chè Việt Nam thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết về các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ.
- Một số giải pháp chính thúc đẩy xuất khẩu chè của Việt Nam sang các nước EU
Để tận dụng tốt thời cơ, hạn chế được các thách thức khi Hiệp định EVFTA ký kết, đi vào thực thi, Việt Nam còn rất nhiều việc cần thay đổi để thích ứng. Cụ thể:
Về phía Chính phủ:
Thứ nhất, cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp; hoàn thiện và đồng bộ hóa các thị trường trong nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động này theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế và Hiệp định EVFTA.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định.
Thứ ba, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống kế toán quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng; tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện hỗ trợ hợp lý nhằm gia tăng vai trò của các doanh nghiệp; bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN Việt Nam.
Thứ tư, cần có sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương (hệ thống Thương vụ tại nước ngoài) là công tác quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại như: tăng cường phối hợp, đảm bảo việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp phát sinh trong thương mại; thúc đẩy quan hệ, khâu nối xuất nhập khẩu; tạo ra mạng lưới thông tin thông suốt, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp chế biến chè góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm chè Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Về phía doanh nghiệp:
Thứ nhất, các nhà quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chè cần chủ động nâng cao trình độ và năng lực quản lý của mình thông qua một số biện pháp như sau: cần phải trang bị cho mình một lượng kiến thức căn bản về quản trị, quản lý và thị trường như các quy định tại Hiệp định EVFTA; thường xuyên cập nhập các thông tin về các quy định khắt khe về nhập khẩu hàng hóa của EU; hoàn thiện các kỹ năng làm việc, giao dịch và các nguyên tắc xã giao trong môi trường làm việc quốc tế và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn ngành nghề do chuyên gia huấn luyện, tham gia các tổ chức, hiệp hội có liên quan nhằm học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần chú trọng đến công tác cải tiến về công nghệ nhân giống, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới để đáp ứng tốt yêu cầu chế biến xuất khẩu. Thông qua hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ để tạo ra những giống cây chè có khả năng cạnh tranh cao; phối hợp xây dựng hệ thống dịch vụ kiểm dịch sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công tác thâm canh, trồng trọt; phối hợp các chính sách thương mại của các nước trong khu vực trong thực hiện hoạt động xuất khẩu chè.
Thứ ba, tạo vùng nguyên liệu sản xuất chè sạch theo đúng tiêu chuẩn chất luợng (VietGap) của Việt Nam tiến tới hợp chuẩn chất luợng (GolbalGap) quốc tế. Bao gồm đào tạo mới, đào tạo chuyển giao công nghệ…
Thứ tư, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để quảng bá sản phẩm như thông qua hội chợ trong nước và quốc tế. Trong hoạt động quảng cáo, cần xác định rõ tập khách hàng nhắm đến, lựa chọn phương tiện phù hợp, phân bổ tài chính hợp lý và đánh giá kết quả thu được. Ngoài ra, thông qua hệ thống thương vụ tại các sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài và các hệ thống khác để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường EU.
- Kết luận
Sự tăng tốc của quá trình toàn cầu hóa khiến cho các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi và thích nghi với môi trường kinh doanh mới, khi mà các rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt và có thêm nhiều thách thức. Sự thâm nhập sâu vào toàn cầu hóa của Việt Nam được thể hiện thông qua 16 Hiệp định FTA được ký kết, trong đó có EVFTA. Hiệp định EVFTA sẽ góp phần tăng cường hợp tác đầu tư thương mại song phương Việt Nam – EU. Qua đó, các doanh nghiệp chế biến chè Việt Nam sẽ có cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm chè, một trong những mặt hàng nông sản trọng điểm của Việt Nam. Để nắm bắt được những cơ hội thâm nhập vào thị trường tiềm năng này, về phía các cơ quan Bộ, ngành, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần có một chiến lược phát triển bền vững với những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại và nắm bắt được những cơ hội vàng, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước./.