1. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Ngày 30/6/2019, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh đã ký kết Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Theo đó, thỏa thuận sẽ dỡ bỏ 99% rào cản thuế quan, tuy nhiên một số sẽ được giảm dần trong thời gian 10 năm. Ngoài ra, một số hàng hóa sẽ bị giới hạn bởi hạn ngạch, đặc biệt là hàng nông sản. Theo bà Cecilia Malmström, Hiệp định này là một “thông điệp mạnh mẽ về thương mại mở và là một thỏa thuận quan trọng khác của EU ở Đông Nam Á”.
Hiệp định này mang lại lợi ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ tăng doanh số chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, điện thoại thông minh và linh kiện máy tính sang châu Âu. Các nước châu Âu cũng thể hiện sự quan tâm đối với thị trường có sự tăng trưởng dân số như Việt Nam. EU hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Dự kiến, EVFTA sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua; tuy nhiên, điều này không dễ dàng, bởi có những nghị sĩ EU lo lắng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
2. Hiệp định thương mại EU-Mercosur: Sau 20 năm đàm phán, EU và khối kinh tế Nam Mỹ Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay) đã đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại cùng vào ngày 30/6 vừa qua. Phát biểu với báo giới, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström cho biết, nhiều mối quan tâm của EU đã được đáp ứng trong thỏa thuận, bao gồm cả ở những ngành công nghiệp quan trọng đối với Thụy Điển, Phần Lan, ví dụ như công nghiệp chế tạo xe hơi, hóa chất và hàng hải.
(Tin từ ĐSQVN tại Thụy Điển – theo DN online 01/7)