Theo Chủ tịch Hội đồng Thương mại châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ban Kinh tế Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Murat Kolbaşı cho biết Khối Kinh tế lớn nhất thế giới (RCEP) vừa mới được thành lập, gồm 15 nước châu Á – Thái Bình Dương kể cả Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu sau đại dịch và củng cố vững chắc vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua xuất khẩu khi 3 nước trong khu vực này đã ký FTA với Thổ Nhĩ Kỳ là Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.
Ông Kolbaşı khuyên các công ty Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung vào khu vực này và chiếm lĩnh thị phần trong thương mại toàn cầu khi năm ngoái gần một nửa thương mại toàn cầu có trị giá 19 nghìn tỷ TL đến từ Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên với RCEP, thị phần của khu vực này sẽ tăng lên. Ông dẫn chứng việc thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với EU – chiếm 52% tổng giá trị xuất khẩu của nước này – đã tăng mạnh sau khi Hiệp định liên minh Hải quan có hiệu lực năm 1996. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tăng thương mại với 15 nước trong RCEP và gia tăng sự có mặt các nhãn hàng Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực thì đây là cửa ngõ xuất khẩu giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ và có thể giúp gia tăng xuất khẩu của nước này.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhập hàng từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm ngoái thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực này là 35 tỷ USD và năm 2018 là 40 tỷ USD. Chính vì vậy đây là một trong những khu vực Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn cân bằng thương mại.
Cũng theo ông Kolbaşı, quảng bá du lịch của Thổ tới các nước RCEP cũng đóng vai trò quan trọng và các cơ sở du lịch hiện đang đóng cửa của Thổ có thể hoạt động trở lại để đón các khách du lịch đến từ khu vực này.
Theo Quỹ Tiền tệ thế giới, RCEP có 2,2 tỷ dân với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, trong khi HSBC dự đoán hơn 50 % GDP toàn cầu sẽ đến từ các nước RCEP vào năm 2030. Theo Bloomberg, Hiệp định này sẽ giúp GDP của Trung Quốc tăng 0,5%, Hàn Quốc 1,4% và Nhật 1,3% vào năm 2030.
Đáng chú ý, RCEP đã khiến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên cùng tham gia một thỏa thuận thương mại duy nhất, bỏ qua những tranh cãi lịch sử và ngoại giao.
Theo bà Deborah Elms từ Trung tâm thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore, nhờ RCEP Nhật Bản có được lợi ích đáng kể khi có quyền ưu đãi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, điều mà trước kia nước này không thể có.
RCEP cũng tạo thuận lợi cho các nước kém phát triển hơn thay đổi luật để thích nghi với quy định mới như Lào và Campuchia cần từ 3 đến 5 năm để nâng cấp thủ tục hải quan.
Một lợi ích khác nữa là với các nước đã có FTA với nhau, RCEP sẽ tạo ra một bộ quy tắc xuất xứ chung giúp cho việc vận chuyển hàng hóa giữa 15 nước thành viên dễ dàng hơn.
Năng lượng, đặc biệt là ga tự nhiên và khí hóa lỏng là một trong những nội dung chủ yếu của Thỏa thuận khi tính đến vai trò chính của các nước trong lĩnh vực này gồm Trung Quốc, Úc và Nhật Bản.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ tăng cao trong khi nhu cầu của các nước châu Âu lại giảm đi, cụ thể vào năm 2040, các nước Đông Nam Á cần 446 triệu tấn dầu (MTOE), Trung Quốc cần 807 MTOE trong khi châu Âu chỉ cần 256 MTOE.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ)