Hiện thực hóa “giấc mơ xanh” cho ngành dệt may

0
66
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sản xuất xanh là xu hướng chung của nhiều ngành công nghiệp Việt Nam để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu và ngành dệt may trong nước không nằm ngoài xu thế đó. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển của ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đặt ra kế hoạch xanh hóa đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi cần đầu tư để đạt được các đánh giá chuẩn mực của các nhãn hàng (yếu tố doanh nghiệp phải tuân thủ), đồng thời duy trì và tuân thủ được mục tiêu phát triển bền vững và những cam kết của Việt Nam với toàn cầu, đặc biệt là các điều khoản của COP 26. Nếu không đáp ứng các chuẩn mực, các doanh nghiệp sẽ phải đứng ngoài và bị đào thải khỏi “cuộc chơi” dệt may toàn cầu.

Điều đáng mừng là trong hành trình “xanh hóa” của ngành dệt may đã có nhiều doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi thành công. Đơn cử như Trung Quy Group. Ông Trần Văn Quy – Chủ tịch HĐQT Trung Quy Group chia sẻ, doanh nghiệp này đã nhận thức rất sớm về sản xuất bền vững và sau nhiều năm nỗ lực, từ xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại đạt chuẩn từ Châu Âu, đến chuyển đổi các hoạt động sản xuất phù hợp, thì nay Trung Quy đã chính thức đạt được chứng nhận sản phẩm vải tái chế và sản phẩm vải hữu cơ toàn cầu. Đây là thành quả của cả chuỗi sản xuất bền vững, từ tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp, cho đến đào tạo người lao động hiểu về các tiêu chuẩn này để làm cho đúng.

“Để đạt chứng nhận, quy trình sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ các công đoạn từ nguyên phụ liệu, sản xuất và đến khâu hoàn thành xuất xưởng giao đến khác hàng. Tất cả đều đáp ứng và theo sát các tiêu chí của đơn vị chứng nhận. Hành trình đó rất gian nan nên kết quả đạt được rất đáng tự hào, giúp chúng tôi nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, được khách hàng tin tưởng, khẳng định được chỗ đứng của công ty theo tiêu chuẩn xanh, sạch”– ông Trần Văn Quy phấn khởi cho biết.

Thực tế việc xanh hóa sản xuất đang là một xu hướng nổi bật của ngành dệt may trong nước, bởi đây không còn là đòi hỏi của 1 số thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, mà nó đã thành yêu cầu bắt buộc trên toàn thế giới. Để không bị bỏ lại phía sau, dệt may phải thay đổi và thích nghi, dù gặp không ít khó khăn, để nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường. Và trước Trung Quy, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh để tiến tới sản xuất xanh như Công ty CP May Sông Hồng, TNG Thái Nguyên…

Theo đó, trong quá trình xây dựng nhà máy, các doanh nghiệp đã đặt yếu tố “xanh” lên hàng đầu: sử dụng, khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, giảm tải cho điện lưới quốc gia. Đồng thời xây dựng nhà máy mới không sử dụng nồi hơi đốt than mà chuyển sang sử dụng nồi đốt bằng điện, do đốt hơi bằng than sẽ xả thải rất nhiều lượng khí CO2, gây ô nhiễm môi trường…

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá rằng, chính nhờ sự chuyển đổi nhanh, thích ứng nhanh của doanh nghiệp trong ngành mà ngành dệt may dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng đều nhanh chóng khắc phục. Cụ thể, năm 2022, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xuất khẩu dệt may cả năm ước đạt khoảng 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng mạnh, mà ngành dệt may cũng đang hướng vào phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Theo đó, ngành dệt may đã đưa ra nhiều giải đẩy nhanh quá trình xanh hóa ngành dệt may trong nước, đạt mục tiêu 47 tỷ USD xuất khẩu của năm 2023, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất sợi đến vải và may mặc, đưa Việt Nam thành trung tâm dệt may của thế giới.

(Ngọc Thùy/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here