Hệ thống pháp luật của Singapore và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện việc ban hành và thực hiện pháp luật

0
82
1. Giới thiệu chung về quốc gia Singapore
Cộng hòa Singapore là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á, nằm phía Nam bán đảo Mã Lai với diện tích chỉ 692,7 km2 (diện tích gần bằng huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng có dân số hơn 5,7 triệu người[1]. Tuy là quốc gia có diện tích khiêm tốn, tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp nhưng Singapore có nền kinh tế phát triển vượt bậc với GDP bình quân đầu người hơn 65,6 nghìn USD/người vào năm 2019. Bên cạnh đó, Singapore cũng là nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Để Singapore có được những thành công trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội được giữ vững là nhờ vào sự ổn định và tính hiệu quả của hệ thống pháp luật nước này.
2. Hệ thống pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật tại Singapore
Singapore vốn là làng chài của người Mã Lai, sang thế kỷ XIX bị người Anh chiếm làm thuộc địa, do đó, pháp luật Singapore sau này vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ thống pháp luật Common law[2] của Anh Quốc. Hiện nay, hệ thống pháp luật Singapore có 1 đạo luật đang còn hiệu lực đó chính là “Đạo luật áp dụng đạo luật Anh” (Application of English Law Act). Đạo luật này cho phép những đạo Luật của Anh Quốc sẽ được áp dụng tại Singapore với các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể[3].
Cùng với đó, điều có thể dễ dàng nhận thấy chính là hệ thống pháp luật Singapore hướng đến bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để mọi người chung sống. Điển hình bằng việc pháp luật Singapore đã có nhiều quy định chặt chẽ về sự phát triển của con người và chăm sóc sức khỏe, giáo dục như đạo luật năng lực tinh thần (Mental Capacity Act), đạo luật chương trình ưu đãi chăm sóc người cao tuổi và y tế (Medical and Elderly Care Endowment Schemes Act),…
Pháp luật Singapore còn xử lý các hành vi vi phạm tiêu chuẩn, chuẩn mực nơi công cộng nhằm xây dựng một xã hội văn minh bằng việc xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm quy định nơi công cộng như hút thuốc lá ở những nơi bị cấm sẽ bị phạt lên đến 1.000 đô la Singapore nếu bị kết án trước tòa.[4] Hoặc hành vi không xả nước toilet tại quốc đảo này có thể bị phạt 150 đô la Singapore hoặc bị phạt tù nếu không nộp phạt.[5] Chúng ta có thể thấy tính nghiêm khắc của pháp luật Singapore trong việc yêu cầu mọi người phải chấp hành những quy định nơi công cộng.
Đồng thời, pháp luật Singapore còn có những quy định chặt chẽ về việc bảo vệ môi trường, vì đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược tại quốc đảo này. Singapore đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, điển hình là Luật Quản lý và Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection and Management Act), Đạo luật sức khỏe cộng đồng về môi trường (Environmental Public Health Act). Trong đó, Đạo luật sức khỏe cộng đồng về môi trường quy định chi tiết những vấn đề về sức khỏe dân cư như môi trường công cộng, quy trình thu gom và xử lý rác thải, tiếng ồn,… Khoản 1, Điều 17 của Luật Quản lý và Bảo vệ Môi trường quy định: Bất kỳ người nào xả thải hoặc cho phép xả thải chất độc hại vào bất kỳ nguồn nước có khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ bị kết án và phạt tiền lên đến 50.000 đô la Singapore hoặc phạt tù đến 12 tháng.[6] Điều này đã thể hiện tính nghiêm khắc của hệ thống pháp luật Singapore nhằm hướng đến sự phát triển bền vững khi trụ cột phát triển kinh tế của quốc gia này nhờ vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ.
Đặc biệt, pháp luật Singapore áp dụng nhiều biện pháp hình phạt để gia tăng tính nghiêm minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của quốc đảo này. Điều 53, Bộ Luật Hình sự Singapore quy định các hình phạt được áp dụng tại nước này bao gồm tử hình, phạt tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và sử dụng đòn roi.[7] Chúng ta có thể thấy pháp luật Singapore hết sức nghiêm khắc đối với các tội phạm hình sự thông qua hệ thống hình phạt. Ví dụ Điều 375, Bộ Luật Hình sự Singapore quy định về tội hiếp dâm, người thực hiện hành vi hiếp dâm có thể bị phạt tù từ 8 đến 20 năm, cùng với đó là hình phạt bổ sung bằng đòn roi. Bên cạnh các hình phạt truyền thống như phạt tiền, phạt tù, tại quốc đảo này còn áp dụng những hình phạt như tịch thu tài sản hoặc sử dụng đòn roi như một biện pháp răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định thực hiện hành vi phạm tội khi phải đối mặt với những hình phạt có thể gây ám ảnh tâm lý lâu dài. Hiện nay, Singapore có 32 tội danh có mức án cao nhất là tử hình, trong đó có 4 tội danh buộc phải áp dụng mức án tử hình và không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đó là: (1) giết người, (2) buôn bán ma túy chất gây nghiện, (3) khủng bố và (4) tàng trữ trái phép vũ khí, đạn dược hoặc chất nổ.[8]
Một điều có thể thấy rõ khi tìm hiểu về hệ thống pháp luật Singapore là không chỉ có Bộ Luật Hình sự mới quy định các biện pháp xử lý hình sự mà các luật, đạo luật khác của quốc đảo này cũng đều được quy định những biện pháp xử lý hình sự theo nội dung của từng luật, đạo luật. Một số luật, đạo luật có quy định những biện pháp xử lý hình sự như Luật Quản lý và Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection and Management Act), Đạo luật về tội phạm vũ khí (Arms Offences Act), Đạo luật về tác nhân sinh học và chất độc (Biological Agents and Toxins Act),… Điều này đã giúp cho người dân Singapore dễ dàng tiếp cận những quy định cụ thể về pháp luật theo từng lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của người dân.
Ngoài ra, trong những điều khoản của các bộ luật, luật, đạo luật Singapore, luôn có những nội dung hướng dẫn, giải thích cụ thể cho những trường hợp ngoại lệ mà không cần phải sử dụng văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể. Điều này giúp các quy định pháp luật được thống nhất và thực hiện hiệu quả. Ví dụ Điều 81 của Bộ luật Hình sự Singapore quy định: “Một hành vi không được xem là hành vi phạm tội dù có khả năng gây hại nếu hành vi đó được thực hiện với mục đích nhằm ngăn ngừa hoặc tránh những thiệt hại khác về người hoặc tài sản”. Bên cạnh nội dung thì Điều 81 của Bộ luật còn có phần giải thích và ví dụ minh họa, chẳng hạn ví dụ minh họa của Điều 81 thể hiện: Nếu trong đám cháy lớn, một người có hành vi kéo sập các ngôi nhà để ngăn đám cháy lan rộng. Người đó làm điều này với mục đích thiện chí cứu mạng người hoặc tài sản thì hành vi của người đó không được xem là phạm tội.[9]
Đặc biệt, hệ thống pháp luật Singapore ngày càng được hoàn thiện và xây dựng tiến bộ, nhiều văn bản pháp luật quản lý các hoạt động trong thời đại kỷ nguyên số đã được ban hành tại quốc đảo này, điển hình là đạo luật giao dịch điện tử (Electronic Transactions Act), luật bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act),… Điều này cho thấy sự tiến bộ của hệ thống pháp luật Singapore, giúp bảo vệ con người trước những tác động tiêu cực trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật Singapore luôn được thay đổi để thích ứng kịp thời với sự biến động của thế giới hiện nay, giúp quốc gia này quản lý hiệu quả các vấn đề phát sinh bằng pháp luật, đặc biệt là sự biến động, phát triển không ngừng của thế giới hiện nay. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, một đạo luật tại Singapore đã được ban hành để đáp ứng kịp thời những quy định về phòng, chống dịch bệnh thống nhất để toàn bộ người dân thực hiện, đó là Đạo luật Covid-19.[10] Những quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như những quy định về hợp đồng kinh tế, sản xuất-kinh doanh trong điều kiện thay đổi do Covid-19 đều được tích hợp vào đạo luật này.
Ngoài ra, về pháp luật dân sự tại Singapore, khi xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp tại Singapore thường tìm cách hòa giải thông qua các cơ quan như Trung tâm hòa giải Singapore (Singapore Mediation Centre), Vụ Quan hệ lao động – Bộ Nhân lực (The Labour Relations Department of the Ministry of Manpower), Trung tâm giải quyết tranh chấp trong ngành tài chính (Financial Industry Disputes Resolution Centre),… hoặc nhờ phán quyết của trọng tài thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (The Singapore International Arbitration Centre) trước khi tiến hành khởi kiện dân sự để tránh mất thời gian và tốn kém.
3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Thông qua những phân tích nêu trên chúng ta có thể thấy hệ thống pháp luật của Singapore đã đáp ứng được mục tiêu ban đầu đặt ra là hướng đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người, tạo môi trường hài hòa, ổn định để mọi người sinh sống và phát triển toàn diện, giải quyết hiệu quả những vấn phát sinh trong đời sống xã hội, đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc để xử lý và giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật.
Từ thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật của Singapore, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng và cần thiết có thể vận dụng cho hoạt động lập pháp của Việt Nam trong hiện tại và lâu dài, bao gồm:
Một là, trong hoạt động xây dựng pháp luật, cơ quan lập pháp cần sâu sát, kịp thời, nhanh chóng xây dựng và ban hành các đạo luật cụ thể điều chỉnh và quản lý các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Đạo luật ban hành cần ngắn gọn, cụ thể, áp dụng ngay không cần quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật đi kèm mới đem lại hiệu quả, tránh trường hợp luật ban hành không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội.
Hai là, yếu tố chế tài, cưỡng chế mang tính bắt buộc cao nhất được thể chế hóa, cụ thể hóa trong rất nhiều các quy phạm pháp luật của luật hình sự, luật hành chính, luật kinh tế và một số ngành luật khác. Đối với quan điểm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các quy định, hình phạt này khá khắt khe, nặng nề. Tuy nhiên, nếu đứng trong ngữ cảnh khi một xã hội ý thức pháp luật của người dân còn thấp, hành xử chủ yếu theo cảm tính chủ quan, thậm chí là vi phạm pháp luật kéo dài từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ cá biệt đến phổ biến, thì việc áp đặt các biện pháp chế tài mang tính cưỡng chế khắt khe là việc làm cần thiết và phù hợp. Chính bản thân các nhà lập pháp tại Singapore cũng phải thừa nhận điều này, không có chế tài bắt buộc, với các hình thức xử phạt nặng cả về kinh tế và tinh thần sẽ không có một quốc gia phát triển và văn minh như ngày hôm nay.
Ba là, hoạt động áp dụng pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, khách quan, công bằng đối với mọi đối tượng, không để xảy ra trường hợp ưu tiên, ngoại lệ, ưu ái hoặc đối xử thiên vị, bỏ qua. Sở dĩ Singapore xây dựng được ý thức chấp hành pháp luật tốt ở người dân cũng như mọi cơ quan, tổ chức là do họ duy trì nhất quán và xuyên suốt nguyên tắc này. Đặc biệt, lực lượng cán bộ công chức hay những người chấp pháp vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt cao hơn người dân, đây cũng là yếu tố thuyết phục và nêu gương tốt hơn, giúp cho mọi người dân phải tự giác tuân thủ.
Bốn là, kết hợp tốt giữa việc ban hành pháp luật với việc giải thích pháp luật, hiệu quả nhất là cùng tích hợp trong một đạo luật. Cách thức này sẽ giúp phát huy hiệu quả nhất các quy định pháp luật vừa mới được ban hành, tránh trường hợp hiểu sai, hiểu đa nghĩa dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu nhất quán, mỗi nơi một kiểu vừa triệt tiêu dần tình trạng luật ban hành xong phải để đó đợi văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể mới thi hành. Tình trạng luật đợi văn bản hướng dẫn tồn tại lâu nay, theo chúng tôi đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn chậm trễ, hoặc khi vận dụng đã lạc hậu, lỗi thời, cần phải bổ sung, điều chỉnh.
4. Kết luận
Từ những nội dung trên, chúng ta có thể thấy sự thích ứng và linh động của hệ thống pháp luật tại Singapore, một quốc gia tuy khiêm tốn về diện tích, tài nguyên và nguồn lực phát triển nhưng nhờ xây dựng và hoàn thiện được hệ thống pháp luật tiến bộ mà quốc đảo duy trì được sự ổn định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực tiễn nước ta và Singapore có một số điểm tương đồng về vị trí địa lý (cùng nằm ở khu vực Đông Nam Á), khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, văn hóa, tôn giáo, xuất phát điểm ban đầu… Các kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp của quốc gia này theo chúng tôi cần được quan tâm, đánh giá đúng mức để có thể học hỏi, kế thừa và vận dụng phù hợp vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của chúng ta./.
Ts. Trần Hoàng Hạnh – Lê Bá Hưng (Học viện cán bộ TP.HCM)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Tính đến năm 2019.
[2] Common law có thể được hiểu đơn giản là thông luật, là một tập hợp các luật bất thành văn dựa trên các tiền lệ pháp do tòa án thiết lập.
[3] Application of English Law Act 1993. Retrieved from: https://sso.agc.gov.sg/Act/AELA1993.
[4] Smoking offences in Singapore. Retrieved from: https://www.gov.sg/article/no-smoking-rules-in-singapore
[5] In Singapore, If You Forget to Flush Toilet, Be Ready to Pay Fine or Go to Jail. Retrieved from:  https://getnews.co.in/in-singapore-if-you-forget-to-flush-toilet-be-ready-to-pay-fine-or-go-to-jail/.
[6] Environmental Protection and Management Act 1999. Retrieved from: https://sso.agc.gov.sg/Act/EPMA1999
[7] Penal Code 1871. Retrieved from: https://sso.agc.gov.sg/Act/PC1871#pr53-.
Riêng về hình phạt bằng đòn roi, Bộ luật Hình sự của Singapore quy định hình phạt bằng đòn tòa quyết định và chỉ dành cho những nam giới từ 18 đến 50 tuổi và được cán bộ y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị phạt roi nhưng chỉ tòa cấp cao mới có thẩm quyền này.
[8] Saw Su Hui (2019). Death Penalty in Singapore: Is It Time to Abolish It?. Retrieved from: https://singaporelegaladvice.com/death-penalty-singapore/.
[9] Điều 81, Bộ luật Hình sự Singapore. Truy cập tại: https://sso.agc.gov.sg/Act/PC1871#pr54-.
[10] COVID-19 (Temporary Measures) Act 2020. https://sso.agc.gov.sg/Act/COVID19TMA2020.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here