Home Nghiên cứu - Nhận định Kinh tế Khu vực Hãng xe điện Trung Quốc BYD “làm mưa, làm gió” trên thị...

Hãng xe điện Trung Quốc BYD “làm mưa, làm gió” trên thị trường Thái Lan

0
64
BYD chỉ mới gia nhập thị trường ô tô Thái Lan trong thời gian gần đây, vào tháng 7/2022, nhưng đã chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán xe mới và hơn 1/3 doanh số bán xe điện (EV) trên toàn thị trường. (Nguồn: BYDThailand)

Hãng xe điện nổi tiếng Trung Quốc BYD đang mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường Thái Lan, tạo áp lực cạnh tranh cho sự thống trị lâu dài của các hãng Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua xe điện giữa hai nhà sản xuất Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn để dành thị trường châu Á đang phát triển.

BYD chỉ mới gia nhập thị trường ô tô Thái Lan vào tháng 7/2022, nhưng đã chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán xe mới và hơn 1/3 doanh số bán xe điện trên toàn thị trường. (Nguồn: BYDThailand)

Theo thống kê của Autolife Thái Lan, BYD chỉ mới gia nhập thị trường ô tô Thái Lan trong thời gian gần đây, vào tháng 7/2022, nhưng đã chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán xe mới và hơn 1/3 doanh số bán xe điện (EV) trên toàn thị trường.

Mặc dù, Toyota, Isuzu và Honda – ba hãng ô tô lớn của Nhật Bản – vẫn chiếm vị trí là các thương hiệu hàng đầu ở Thái Lan. Nhưng BYD đã vươn lên đứng đầu danh sách các nhà sản xuất EV được ưa thích nhất. Xét về tổng lượng bán xe ở Thái Lan, BYD đã vượt qua bốn đối thủ nhỏ hơn của Nhật Bản là Nissan, Mitsubishi, Mazda và Suzuki.

Sự thành công của BYD đạt được một phần nhờ hoạt động tiếp thị mạnh mẽ và mức giá bán xe thấp. BYD đã chọn Rever Automotive, một công ty có mối quan hệ gia đình thân thiết với nhà sản xuất quyền lực nhất trong ngành công nghiệp ô tô Thái Lan là Siam Motors, làm nhà phân phối độc quyền.

Rever cung cấp gói dịch vụ phong phú cho khách hàng và đang thuyết phục các đại lý chuyên bán các loại ô tô thương hiệu Nhật Bản ít phổ biến hơn như Suzuki hay Mazda chuyển sang làm đại lý cho BYD.

Mẫu EV bán chạy nhất của BYD tại Thái Lan là ATTO 3 hiện được bán trong khoảng giá từ 30.000 USD đến 33.000 USD. So với xe Nissan Leaf có giá bán 43.000 USD và Toyota bZ4X có giá 50.000 USD và khoảng 47.500 USD cho chiếc xe Model 3 của Tesla, giá xe của BYD rẻ hơn đáng kể.

Các mẫu xe khác của BYD, ví dụ xe Seal được bán với giá 36.000 USD và xe Dolphin với giá dưới 20.000 USD, mang lại nhiều lựa chọn cho các khách hàng có ngân sách eo hẹp, nhưng vẫn muốn sở hữu một chiếc xe điện phù hợp với xu thế tương lai.

Tháng 3/2022, BYD bắt đầu xây dựng nhà máy ở Thái Lan để sản xuất EV bán tại nước này và xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, cũng như xuất khẩu sang châu Âu. Nhà máy của BYD nằm ở Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan. Nơi đây sẽ có công suất 150.000 chiếc xe mỗi năm, gấp khoảng 10 lần số lượng xe mà BYD đã bán ra tại thị trường Thái Lan trong tám tháng đầu năm nay. Hoạt động sản xuất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Trước BYD, SAIC và Great Wall Motors của Trung Quốc đã có nhà máy lắp ráp ở Thái Lan. Trong khi các hãng xe khác, bao gồm GAC Aion, Hozon Auto và Changan đã thông báo kế hoạch tham gia vào thị trường này bắt đầu từ năm tới.

Làn sóng đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp Thái Lan duy trì vị thế là trung tâm sản xuất ô tô ở khu vực Đông Nam Á – nước này từng được mệnh danh là “Detroit của châu Á”. Và những gì đang diễn ra trên thị trường ô tô Thái Lan là lời cảnh tỉnh đối với Nhật Bản, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Indonesia, Malaysia và những nơi khác trong khu vực.

Chính sách năng lượng quốc gia là một yếu tố quan trọng. Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu, đến năm 2030, 30% các xe ô tô sản xuất trong nước là EV. Doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đang nỗ lực “chớp” lấy cơ hội đó, trong khi Nhật Bản vẫn chưa hành động.

Được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp nhà nước dồi dào, tỷ lệ EV trong tổng doanh số bán ô tô của Thái Lan đã tăng khoảng 1% trong năm 2022, lên hơn 10% hiện nay.

Vào đầu tháng Mười, Thủ tướng Srettha Thavisin đã lái một chiếc xe BYD Seal để ủng hộ chiến dịch hỗ trợ “tương lai xanh” của Thái Lan. Tờ Nikkei của Nhật Bản đã viết rằng: “Đó là biểu tượng của một chiếc xe EV do Trung Quốc sản xuất, chứ không phải một chiếc xe Nhật Bản”. Nhưng cần lưu ý rằng EV của Nhật Bản hầu như không được ghi danh vào số liệu thống kê trên thị trường ô tô Thái Lan.

Đầu năm nay, dữ liệu từ Bộ Giao thông Đường bộ Thái Lan cho thấy EV chạy bằng pin (BEV) của BYD đang bán chạy hơn xe của hãng Nissan với tỷ lệ 50/1.

BYD đứng đầu về số lượng đăng ký BEV, trong khi Nissan đứng thứ 10. Ở giữa bảng xếp hạng là SAIC của hãng MG, Great Wall Motors, Hozon và Geely của Volvo, Tesla và cuối danh sách là BMW (bao gồm cả xe Mini) và Porsche.

Sau nhiều thập kỷ nỗ lực xây dựng thị phần lên tới 90% với xe động cơ đốt trong ở các nước Đông Nam Á, Nhật Bản sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc “thụt lùi” nếu không chuyển đổi nhanh chóng và mạnh mẽ sang EV.

Dữ liệu từ Hiệp hội Sản xuất Ô tô Nhật Bản (JAMA) cho thấy xe ô tô chở khách, xe tải và xe buýt do các công ty thành viên của hiệp hội sản xuất chiếm khoảng 80% trong tổng số 2,8 triệu xe bán ra trên thị trường ASEAN vào năm 2021. Với việc nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc, Hyundai Motor, cũng đang khẩn trương mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á, các báo cáo gần đây cho thấy thị phần ô tô của Nhật Bản đã giảm xuống còn khoảng 75%.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có hơn 50 nhà máy trải rộng trên khắp ASEAN. JAMA tính toán rằng, vào năm 2021, chỉ có ba triệu xe được sản xuất tại 50 nhà máy này. Trong số đó, 48% được sản xuất tại Thái Lan, 35% tại Indonesia, 11% tại Malaysia. Năm 2021, hơn 1/3 số xe sản xuất tại Thái Lan của các doanh nghiệp Nhật Bản đã được xuất khẩu.

Tất cả quốc gia ASEAN, nơi các hãng ô tô Nhật Bản lập nhà máy, đều có mối quan tâm sâu sắc đến việc duy trì cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và việc làm được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Câu hỏi bây giờ là liệu người Nhật có phản ứng đủ nhanh để không mất thêm những “miếng bánh” thị trường lớn nữa hay không?

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here