Hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam chở tăng 10% trong năm 2022

0
70
Dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam tăng không nhiều, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố khách quan. Bên cạnh đó, cảng biển nước ta cũng ghi nhận không ít “điểm sáng”.

Dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đang có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu đột biến và nhu cầu hàng hóa trong bối cảnh đặc biệt như Covid-19.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 triệu tấn, giảm 2%; hàng nội địa đạt 342,79 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2021. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.

Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng 10% (khoảng 1,29 triệu tấn) so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao.

Các tuyến vận tải chủ yếu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng do nguồn hàng vận tải và giá cước tăng trong đầu năm 2022.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 4% là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm trở lại đây. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu đã giảm 2% so với năm ngoái.

Vấn đề trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phục hồi trở lại.

Ngoài ra, chính sách Zero Covid của Trung Quốc – thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới các doanh nghiệp tham gia thị trường này; trong đó có các doanh nghiệp vận tải biển. Còn công suất của các cảng biển và vận tải biển vẫn hoạt động tăng cường và tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động cảng biển cũng có những “điểm sáng” đáng ghi nhận. Cụ thể, các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã lọt danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới năm 2022 do tạp chí Lloyd’s List xếp hạng.

Cụ thể, cảng TP. Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 22, cảng Hải Phòng ở vị trí 28 và cảng Cái Mép ở vị trí 32 trong danh sách 100 cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới. Cả 3 cảng này đều được đánh giá có mức tăng trưởng cao trong năm qua và có thể đón tàu siêu trọng.

Lloyd’s List cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng phát triển cảng biển này để trở thành đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng. Tương lai của cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh có thể sẽ mở rộng hơn nữa và bản thân khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng.

Ngoài ra, các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000 DWT). Hàng hóa thông qua các cảng biển, đặc biệt các cảng biển phát triển mới như Bà Rịa – Vũng Tàu được các tạp chí hàng hải quốc tế đánh giá là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực.

Điều này cho thấy dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế.

Được biết hiện nay, đội tàu Việt Nam hiện tại đã đáp ứng 100% nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển nội địa. Điều này là kết quả bước đầu để đội tàu Việt Nam vươn ra quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng do nguồn hàng vận tải và giá cước tăng trong đầu năm 2022.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có lãi trước thuế lũy kế 566 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch cả năm và đã bù được hết số lỗ lũy kế. Công ty cổ phần Gemadept 9 tháng năm 2022 đã gần cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm khi đạt 806 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp vận tải đã có được kết quả kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp đều tăng một phần do cước vận tải tăng, phần khác là do chất lượng đội tàu cũng được tiếp tục cải thiện, cơ cấu đội tàu ngày càng hợp lý.

Danh mục cảng biển Việt Nam bao gồm 34 cảng biển, trong đó có 2 cảng đặc loại biệt, 11 cảng biển loại I, 7 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III.

– 2 cảnh biển loại đặc biệt gồm: Cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

– 11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.

– 7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.

– 14 cảng biển loại III gồm: Cảng biển Nam Định, Cảng biển Thái Bình, Cảng biển Quảng Nam, Cảng biển Phú Yên, Cảng biển Ninh Thuận, Cảng biển Bình Dương, Cảng biển Long An, Cảng biển Tiền Giang, Cảng biển Bến Tre, Cảng biển Sóc Trăng, Cảng biển An Giang, Cảng biển Vĩnh Long, Cảng biển Cà Mau và Cảng biển Kiên Giang.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here