Ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng, quy mô diện tích 20.000 ha, trong đó có khoảng 2.909 ha là đất lấn biển, có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế.
Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố; có toạ độ địa lý từ 20°35’50” đến 20°45’35” vĩ độ Bắc và từ 106°32’8″ đến 106°49’15” độ kinh Đông. Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối để Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh.
Theo đề án, khu kinh tế thứ hai của thành phố sẽ có những lợi thế so sánh vượt trội, ưu thế cạnh tranh cao, từ đó phấn đấu đến năm 2030 trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải năm 2023.
Theo Quyết định, hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Quyết định cũng nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2026-2030, triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế; các dự án cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác. Các hạng mục đầu tư còn lại sẽ triển khai giai đoạn sau năm 2030.
Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến Đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; tiếp thu đầy đủ ý kiến các Bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế.
UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, bảo đảm các tiêu chí sử dụng đất trong Khu kinh tế phù hợp với 6 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho thành phố Hải Phòng tại các Quyết định đã ban hành; bảo đảm tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xây dựng danh mục cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, giao thông kết nối trong và ngoài Khu kinh tế.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố Hải Phòng năm 2024 đạt 11,01%, đứng thứ 3 cả nước. Nếu không có gì thay đổi, Hải Phòng chính thức đã đạt mốc 10 năm liên tiếp tăng trưởng 02 con số, là dấu son trong lịch sử phát triển thành phố. Nổi bật là hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn Hải Phòng duy trì tương đối ổn định. Tính đến 20/8/2024, Hải Phòng có 976 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,9 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm 2024 tăng 15,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,88%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,58%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,19%…
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 127,04%; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp tăng 90,30%; sản xuất giấy và bìa nhăn, bao bì từ giấy tăng 68,91%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 53,79%; sản xuất xe có động cơ tăng 53,60%; sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng tăng 52,75%;…
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thiết bị ngoại vi của máy vi tính sản xuất đạt 24,9 triệu sản phẩm, tăng 139,38% so với cùng kỳ; máy tính xách tay sản xuất đạt 541,3 nghìn cái, tăng 117,37%; máy cắt cỏ sản xuất đạt 2,2 triệu cái, tăng 90,30%; tủ lạnh sản xuất đạt 466.130 chiếc, tăng 71,97%; màn hình oled tivi sản xuất đạt 2,1 triệu chiếc, tăng 61,42%;;…
Theo phân tích của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hải Phòng 10 năm qua. Tuy nhiên, Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (thành lập năm 2008) đã phát triển tương đối hoàn thiện, hạn chế quỹ đất cho hoạt động phát triển mới.
Nếu không có đột phá hình thành những dự án mới để khôi phục tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng, tăng trưởng GRDP của thành phố khó đạt mức bình quân 13,5% một năm cho giai đoạn 2021-2030. Kéo theo chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người sẽ thấp hơn quy hoạch và mục tiêu đã đề ra trong các nghị quyết phát triển.
Chu Văn