Tính riêng 9 tháng của năm 2023, Hải Dương đã thu hút được gần 400 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 27/10, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 8) cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, an sinh xã hội; trong đó có một số nội dung liên quan đến giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy các điều kiện để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
Cụ thể, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phản ánh về vướng mắc trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2, Khu công nghiệp Cộng Hòa. Sở Công Thương thông tin về vướng mắc trong việc cấp điện trong Khu công nghiệp An Phát 1 và Khu công nghiệp Tân Trường mở rộng. Cùng đó, các ý kiến về việc rà soát phạm vi ranh giới, trách nhiệm đầu tư đường 33 m qua Khu công nghiệp Đại An, Khu công nghiệp Đại An mở rộng.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chỉ đạo UBND huyện Cẩm Giàng tích cực vào cuộc, khẩn trương giải phóng mặt bằng; đồng thời phê bình UBND huyện Cẩm Giàng và Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện này về việc để kéo dài khâu giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp Hải Dương kiến nghị sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Khu công nghiệp Cộng Hòa và đề nghị Sở Công Thương, ngành điện đảm bảo điều kiện cần thiết để thúc đẩy việc thu hút nhà đầu tư.
Bà Trương Tú Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chọn Hải Dương và chọn Khu công nghiệp Đại An là niềm vui lớn cho tỉnh. Hiện tại, vướng mắc lớn nhất là về giải quyết đường điện đi qua khu công nghiệp. Nhà đầu tư cho biết sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương để sớm triển khai dự án.
Sau khi nghe ý kiến giải trình từ lãnh đạo Điện lực Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Liên quan đến việc hạ ngầm đường dây 35kV đi qua Khu công nghiệp Đại An, nhà đầu tư chuẩn bị kinh phí, Công ty Điện lực Hải Dương phải chủ động phối hợp triển khai theo phương án đã duyệt. Nếu không hạ ngầm thì điện lực phải xác định phương án di dời hợp lý. Nếu vì điện lực mà ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư thì lãnh đạo điện lực phải chịu trách nhiệm”.
Để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, ông Lưu Văn Bản yêu cầu, với quy hoạch điện ở các khu công nghiệp Cộng Hòa, An Phát, Đại An gắn với quy hoạch mà thuộc diện Quy hoạch tỉnh thì Giám đốc Sở Công Thương chủ động tham mưu để cập nhật.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhấn mạnh: “Chưa bao giờ Hải Dương thu hút được nhiều nhà đầu tư như bây giờ. Vì thế, tỉnh quyết tâm, hành động quyết liệt và khẩn trương giải quyết hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các sở, ngành với chức năng phải tập trung, nhập cuộc, phối hợp với nhà đầu tư. Nếu có vướng mắc, phản hồi ngay để lãnh đạo tỉnh khẩn trương tháo gỡ”.
Mới đây, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Hải Dương vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Singapore Biel Crystal Private Limited để xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tại khu công nghiệp An Phát 1. Dự án có tổng vốn đầu tư 6.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 260 triệu USD.
Đến nay, các khu công nghiệp tại Hải Dương đã thu hút được trên 340 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,7 tỷ USD. Hiện có khoảng 260 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục liên quan…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, tính riêng 9 tháng của năm 2023, Hải Dương đã thu hút được gần 400 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án đầu tư chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Dương thì Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ đầu với 15 dự án, có tổng vốn 113,6 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ hai với 17 dự án, vốn 57,6 triệu USD; Nhật Bản đứng thứ ba với 3 dự án, vốn đầu tư 32,8 triệu USD.
Hoàng Nam