Hải Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cà rốt và nông sản chủ lực

0
142
Ước tính, 30% sản lượng cà rốt trồng tại Hải Dương được tiêu thụ trong nước và 70% được xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông… (Nguồn: Báo Hải Dương)

Thời gian qua, Hải Dương đã chủ động nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế, xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.

Ước tính, 30% sản lượng cà rốt trồng tại Hải Dương được tiêu thụ trong nước và 70% được xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông… (Nguồn: Báo Hải Dương)

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa cà rốt và nông sản dịp cuối năm, ngày 26/10, tại huyện Cẩm Giàng, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Giàng tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản của tỉnh Hải Dương với các thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài khẳng định, tiềm năng xuất khẩu cà rốt Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng vẫn rất lớn vì thị trường quốc tế ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ.

Theo ông Lê Hoàng Tài, để cà rốt tăng sức cạnh tranh ở các thị trường lớn, Hải Dương cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, mở rộng vùng trồng cà rốt theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các đối tượng dịch hại, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc tại các vùng trồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng nhằm giúp cà rốt Hải Dương tiếp cận đa dạng thị trường, tiếp cận các tệp khách hàng lớn hơn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, hình thành các chuỗi liên kết để tăng năng lực xuất khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại cam kết tiếp tục đồng hành với Hải Dương trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu; tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các kênh xúc tiến thương mại cho cà rốt Hải Dương…

Hiện Hải Dương có 8 nhóm nông sản chủ lực và hơn 230 sản phẩm OCOP. Trong số đó, cà rốt là một trong những nông sản chủ lực, được trồng tập trung ở xã Đức Chính, Cẩm Giàng. Tỉnh có khoảng 1.500 ha cà rốt, toàn bộ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, cho sản lượng 70.000 tấn/năm. Ước tính 30% sản lượng cà rốt tiêu thụ trong nước và 70% được xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân thông tin, thời gian qua, Hải Dương đã chủ động nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó, có tọa đàm để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; đồng thời, xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là về sơ chế, chế biến sâu.

Thời gian tới, theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, nông dân rất mong được đầu tư thêm về kho lạnh, kỹ thuật bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị cho cà rốt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, bên cạnh việc đa dạng cách thức đưa nông sản tiếp cận với thị trường thế giới, doanh nghiệp trong nước mong được hỗ trợ thông tin về doanh nghiệp nước ngoài để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản, từ đó xuất khẩu nông sản được bền vững.

Tại hội nghị, các thương vụ, doanh nghiệp nước ngoài đã thông tin về thị hiếu các thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu nông sản như Nga, Ấn Độ, các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE), Singapore… Theo đó, Hải Dương cần tăng cường sự hiện diện của các sản phẩm chủ lực tại thị trường quốc tế, quan tâm hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp về tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp Hải Dương cần tích cực tham gia vào các hội chợ, triển lãm quốc tế.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo khẳng định, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu đề xuất các giải pháp giữ vững thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường khai thác thị trường tiềm năng như Nga, UAE, châu Mỹ – La tinh.

Sở Công Thương Hải Dương đề nghị Cục Xúc tiến Thương mại quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước mắt, tiếp tục hỗ trợ kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại với cà rốt, vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh.

Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore, Australia, Nga, đại diện một số doanh nghiệp các nước cung cấp nhiều thông tin về thị trường, thói quen tiêu dùng, các tiêu chuẩn, điều kiện về sản phẩm hàng hóa, các rào cản thương mại, kỹ thuật… của nước sở tại. Từ đó định hình, đánh giá năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực cung ứng và xuất khẩu cũng như xác định được những sản phẩm, thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.

Đồng thời, các đơn vị cũng tiếp nhận, chuyển tải thông tin các sản phẩm của Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh có thể xuất khẩu sang thị trường của nước sở tại, làm cầu nối cho các doanh nghiệp của Hải Dương và doanh nghiệp nước sở tại. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhập khẩu của các nước này.

Đối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tỉnh Hải Dương mong muốn được thường xuyên cập nhật thị trường, có khuyến nghị cho tỉnh có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chinh phục thị trường mới.

Đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu như các Công ty CP: Ameii Việt Nam, Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng) mong muốn có nhiều thông tin đánh giá và nhận định những rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để bảo đảm minh bạch, an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới.

Các doanh nghiệp mong muốn có nhiều cách thức tiếp cận để quảng bá nông sản của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, tạo điều kiện hỗ trợ phù hợp để mở rộng thị trường xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Quan tâm việc quảng bá, xây dựng khu du lịch trải nghiệm tại vùng trồng cà rốt nhằm nâng cao giá trị loại cây này…

Các đơn vị cũng trao đổi về một số khó khăn, hạn chế như sản lượng nông sản của tỉnh lớn, thời gian thu hoạch tập trung, trong khi hệ thống kho lạnh bảo quản còn ít. Do đó, cần có sự nghiên cứu đưa ra phương thức thu hoạch và bảo quản cà rốt và nông sản nhằm giữ nguyên chất lượng. Diện tích cây trồng được sản xuất theo hợp đồng vẫn còn hạn chế so với quy mô sản xuất…

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp đã tham gia ký kết thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu cà rốt và nông sản của Hải Dương.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here