Hải Dương có vai trò chiến lược trong trục kinh tế phía Đông, điểm tựa phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại

0
65
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân.

Hạ tầng KCN Hải Dương đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các tỉnh thành thuộc trục kinh tế phía Đông.

Phân tích tiềm năng của địa phương tại Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định với lợi thế nằm giữa Hải Phòng, Quảng Ninh và Hưng Yên – ba trung tâm kinh tế công nghiệp và logistics trọng điểm, Hải Dương không chỉ là cầu nối về mặt địa lý mà còn là điểm tựa để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại. Hạ tầng KCN Hải Dương đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các tỉnh thành thuộc trục kinh tế phía Đông.

theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các KCN như Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Bình Giang đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI và DDI triển khai sản xuất, mở rộng thị trường và tăng cường liên kết vùng.

Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, từ các tuyến cao tốc kết nối với Hải Phòng, Hà Nội đến các tuyến nội tỉnh, là chìa khóa để Hải Dương tối ưu hóa hiệu quả của các khu công nghiệp, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng và giảm chi phí vận chuyển. Chính điều này đang tác động lớn đến dòng vốn đầu tư đến kinh tế địa phương.

Theo ông Quân, sự phát triển của các KCN tại Hải Dương không chỉ mang lại những con số ấn tượng về vốn đầu tư FDI và DDI mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế. Từ đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút gần 865 triệu USD vốn đầu tư, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập người dân.

Đặc biệt, các dự án FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đưa công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật hiện đại vào quy trình vận hành, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn cũng góp phần xây dựng mạng lưới vệ tinh công nghiệp, từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện đến dịch vụ hậu cần, qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của toàn bộ chuỗi giá trị.

Mặc dù Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KCN, nhưng việc chưa thu hút được các dự án công nghiệp quy mô lớn vẫn là điểm yếu cần khắc phục. Theo ông Trần Văn Quân, với lợi thế dư địa và những điều kiện sẵn có thì việc thu hút đầu tư của tỉnh còn hạn chế; trọng tâm là tỉnh chưa thu hút được các dự án lớn và nhà đầu tư có tiềm năng.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, tỉnh cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ tại các KCN nhằm tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, triển khai các tiêu chuẩn phát triển bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và quản lý môi trường chặt chẽ.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hải Dương và các tỉnh lân cận, đặc biệt trong khung thỏa thuận trục kinh tế phía Đông, sẽ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh nâng cao vị thế trong khu vực.

Nhìn chung, hạ tầng khu công nghiệp Hải Dương không chỉ đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế địa phương mà còn là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế trục cao tốc phía Đông. Với những nỗ lực cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và hướng đến sự phát triển bền vững, Hải Dương đang trên đà trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng cho toàn vùng.

Theo thông tin từ  UBND tỉnh Hải Dương, Tỉnh chọn phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là 1 trong 5 trụ cột, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương chủ yếu trong 3 lĩnh vực: cơ khí chế tạo; điện – điện tử; dệt may – da giày. Toàn tỉnh hiện có trên 170 cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đạt khoảng 13,25%/năm, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022.

Không chỉ sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp trong nước, mà công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng. tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác… Đây sẽ là thị trường hạ nguồn rất lớn và đa dạng cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo Sở Công Thương Hải Dương, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.250 doanh nghiệp (gần 500 dự án FDI) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó: doanh nghiệp chế biến, chế tạo 1880 doanh nghiệp (dệt may, da giày 400 doanh nghiệp; Cơ khí, luyện kim 500 doanh nghiệp; Điện- điện tử 250 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản 300 doanh nghiệp… Chính vì vậy, tiềm năng phát triển công nghiệp và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hiện đại của Hải Dương là rất lớn.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here