Tỉnh Hà Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,5 đến 3,5 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 khoảng 5 tỷ USD. Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,0-2,5 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 khoảng 4,0 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế. Trong đó tỉnh nhấn mạnh cần thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các vấn đề cần được quan tâm đặc biệt khi thu hút đầu tư nước ngoài là: Suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa, nộp ngân sách, sử dụng đất…
Gắn thực hiện đổi mới định hướng thu hút đầu tư với thực hiện Nghị quyết 50 – NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, cơ cấu thu hút đầu tư hợp lý giữa các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn… Tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản), đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới (châu Âu, Mỹ,…). Đa dạng hoá các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác thành công cụ thể và xúc tiến song phương với các nhà đầu tư; đồng thời ưu tiên phối hợp, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành tổ chức.
Duy trì, thực hiện tốt, có hiệu quả các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết với các đối tác, địa phương trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ, hợp tác phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh chú trọng nâng cao năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan có liên quan trong hoạt động quản lý, thu hút đầu tư để tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, định hướng xúc tiến, thu hút đầu tư bảo đảm kịp thời, phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thế giới, không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra.
Đặc biệt tỉnh quan tâm chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án… Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Đồng thời tăng cường cơ chế đối thoại, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện, phấn đấu có sản phẩm trong năm 2020, bảo đảm hài hòa giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.
(Nguồn: baohanam.com.vn/)