Hà Nam có tiền đề vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới

0
82
Năm 2024, Hà Nam phấn đấu, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%. (Nguồn: Đảng Cộng sản)

Hà Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%; thu cân đối ngân sách tăng 25,5% trong năm 2024.

Năm 2024, Hà Nam phấn đấu, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%. (Nguồn: Đảng Cộng sản)

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIX về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 diễn ra ngày 12/8.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Thế nhưng, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam cơ bản giữ được ổn định và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội của địa phương tiếp tục ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm tăng trưởng 9,41%, Hà Nam là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 8 toàn quốc.

Các ngành thương mại, dịch vụ từng bước được phục hồi; thu hút đầu tư đạt kết quả tốt; tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quy hoạch chưa thống nhất, đồng bộ, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh làm kéo dài thời gian thực hiện; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu; thu ngân sách nhà nước không đạt kế hoạch; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; một số chương trình, đề án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao.

UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhận định, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh dự báo có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

“Đây sẽ là tiền đề vững chắc đưa Hà Nam bước vào giai đoạn phát triển mới”, ông Trương Quốc Huy nói.

Các địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ; phát triển du lịch gắn kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng để hình thành các chuỗi du lịch – dịch vụ liên tỉnh.

Tỉnh cũng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quản lý thu chi ngân sách hiệu quả, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chi; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2024, Hà Nam phấn đấu, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,4%. Các sở, ngành liên quan làm tốt khâu thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp dân, giải quyết đơn thu, khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here