Gói hỗ trợ kinh tế lần 2: Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

0
117
Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn về gói hỗ trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ, đặc biệt là gói tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí.

Ngày 15/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.

Tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân PGS.TS. Bùi Đức Thọ đã công bố kết quả điều tra đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, 61% doanh nghiệp được hỏi hoạt động bình thường, 30% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nặng nề nhất.

Về các gói hỗ trợ, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, không có thông tin về chính sách. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn doanh nghiệp nhỏ, các gói hỗ trợ nhận được tập trung vào gói gia hạn về thuế.

Các doanh nghiệp nhận định, chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng: hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính…

Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, ngay từ thời điểm ban đầu của dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn; các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội (như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay…), hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đa số đánh giá các chính sách là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực trạng vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và kiểm soát không để trục lợi chính sách, cần sớm có đánh giá về kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm; đồng thời xem xét đưa ra các giải pháp để thúc đẩy giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng liều lượng.

Nhận định về các gói hỗ trợ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh TS. Võ Trí Thành bày tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe doanh nghiệp và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.

Theo TS. Võ Trí Thành, đó là tuy chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến. “Quốc hội đồng hành nhưng không trao quyền cho Chính phủ, đơn cử như muốn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải chờ Quốc hội biểu quyết”, ông Thành nói.

Do đó, với gói kích thích, hỗ trợ kinh tế lần 2, cần xem xét với quy mô đủ lớn, kéo dài sang cả năm 2021 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và chiến lược đầu tư nước ngoài trước làn sóng dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc hỗ trợ cần có sự chọn lọc, hướng tới các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lại, không dàn trải.

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên cần lựa chọn kỹ hơn các nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn bị điều kiện tốt cho họ ở lại thị trường lâu dài. Hơn nữa, thị trường giao thương cũng nên rộng mở, cần quan tâm nhiều hơn đến tái cấu trúc thương mại quốc tế để tránh bị lệ thuộc vào số ít thị trường như vừa qua. Đại dịch Covid-19 là khó khăn nhưng cũng là thời cơ lớn để Việt Nam xem ngành nào trong tương lai phát triển hơn, bền vững hơn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là gói tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí. Các chính sách hỗ trợ cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa, trong đó tập trung hơn vào các giải pháp về tiền tệ như nới lỏng điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi suất, chính sách tài khóa là miễn giảm thuế, giảm chi phí…

Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ kinh tế để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here