Con đường tiếp cận dòng vốn xanh vẫn còn đầy rào cản, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ về thị trường tài chính xanh Việt Nam trong khuôn khổ hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh – Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, thị trường tài chính xanh tại Việt đang có sự phát triển tích cực với ba cấu phần chính là tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh.
Trong đó, hệ thống ngân hàng và tài chính chính là “huyết mạch” dẫn dòng vốn đến các dự án xanh, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa các mục tiêu môi trường toàn cầu.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23% mỗi năm.
Chỉ với 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh vào năm 2017, đến nay Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con đường tiếp cận dòng vốn xanh vẫn còn đầy rào cản, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam cho biết, các ngân hàng thường ưu tiên tín dụng xanh cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… nhờ tiềm năng rõ ràng và khả năng thu hồi vốn cao.
Trong khi đó, các dự án ở các lĩnh vực khác đặc biệt là của doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp khó khăn, khi chưa thể chứng minh hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang vay thương mại hoặc tìm nguồn vốn từ cổ đông cá nhân thay vì tiếp cận tín dụng xanh.
Câu chuyện trên không phải là trường hợp hiếm gặp trong cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nỗi trăn trở của hầu hết các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Không ít đơn vị có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư dự án xanh, nâng cấp các thiết bị công nghệ để chuyển đổi xanh, nhưng bị “kìm chân” vì khó tiếp cận vốn “xanh”.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho hay, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp hơn 20 năm, nhưng việc tiếp cận tín dụng xanh trong vài năm trở lại đây đều không thành công.
Hiện doanh nghiệp cần 100 – 200 tỷ đồng để thay đổi máy móc thiết bị, song vì khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tín dụng xanh, nên doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư.
Theo các chuyên gia, tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn. Thống kê, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít với khoảng 1,16 tỷ USD được phát hành trong giai đoạn 2019-2023.Bên cạnh đó, hiện chưa có một bộ tiêu chí rõ ràng để định nghĩa và đánh giá các dự án đủ điều kiện nhận vốn xanh.
Điều này khiến các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc quản lý rủi ro, còn doanh nghiệp lại mơ hồ trong việc thiết kế dự án đáp ứng tiêu chí… dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn xanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính vì vậy, để tài chính xanh trở thành động lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ rào cản. Chỉ khi những nỗ lực này được đồng bộ, tài chính xanh mới thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Cushman & Wakefield Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo, ưu đãi thuế, hoặc quỹ hỗ trợ riêng biệt để giúp họ tiếp cận tài chính xanh một cách hiệu quả hơn.
Song bên cạnh sự thay đổi của định chế tài chính, doanh nghiệp cần đầu tư vào quản trị tài chính và chuyên môn hóa đội ngũ, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khi tiếp cận vốn xanh.
Vân Chi