GIZ hỗ trợ nghiên cứu Chiến lược Tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

0
62
Ông Sebastian Paust - Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Sebastian Paust – Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức phát biểu tại Diễn đàn.

Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Bộ Tài chính vừa tổ chức thành công Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” (16/11). Diễn đàn nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn về bối cảnh, triển vọng kinh tế tài chính trong nước và thế giới thời gian tới; các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030; các giải pháp tài chính – ngân sách cho phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam (trong đó tập trung vào các chính sách tài chính cho huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội; chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế số…).

Đây là Diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017. Tuy nhiên, Diễn đàn năm nay không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 sẽ bao gồm 02 phiên tham luận: Phiên 1: Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030; Phiên 2: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Diễn đàn dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế – tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế – tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…); cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ Tài chính.

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012, nền tài chính quốc gia đã có những chuyển biến rõ nét và đạt được nhiếu kết quả tích cực. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công được nâng cao, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; cân đối ngân sách tích cực; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần; thể chế tài chính tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; an ninh, an toàn tài chính quốc gia được củng cố…

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Sebastian Paust – Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá, năm 2020, Việt Nam đã rất thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19, là quốc gia tiên phong tăng trưởng về GDP. Tuy nhiên, năm 2021, COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam, Chính phủ đề ra mục tiêu phòng chống đại dịch tối ưu và tăng trưởng kinh tế, việc làm.

Về chiến lược tài chính 2021-2030, ông Sebastian Paust đánh giá cao chính sách quản lý nợ và tài khóa thận trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát trển bền vững; huy động đầu tư tư nhân nhiều hơn; thúc đẩy đầu tư công; đồng thời, thực hiện cải cách về các chính sách thuế, thu ngân sách hiệu quả hơn… Như vậy, chính sách tài khoá phải linh hoạt, điều hành theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một số hạn chế như: cân đối ngân sách khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19; áp lực tăng chi ngân sách cho các mục tiêu an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vẫn rất cao, nhất là đối với yêu cầu chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo; phân bổ nguồn lực vẫn còn dàn trải; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm… đòi hỏi phải có những định hướng, giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc khó khăn bởi đại dịch, khôi phục sản xuất và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gặp khó khăn như hiện nay, trước những sức ép lớn về y tế, kinh tế dẫn đến nhu cầu chi ngân sách nhà nước (NSNN) nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh nói riêng tăng cao, trong khi thu NSNN có xu hướng giảm.

Do đó, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính – ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như: (i) Thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN với tổng số tiền hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 140 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất – kinh doanh; (ii) Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, tổng mức khoảng 26 nghìn tỷ đồng; (iii) Bộ Tài chính cũng đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, chia sẻ, đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp và việc thực hiện có hiệu quả những giải pháp tài chính nêu trên, tình hình đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, các giải pháp tài chính – NSNN đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp tài chính tổng thể cùng với những nguồn lực cụ thể nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here