Giúp sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế

0
135

Ông Đinh Xuân Phượng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bạc Liêu trả lời phỏng vấn của Báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại vụ 18 và Hội nghị Ngoại giao 29 xung quanh các vấn đề về hội nhập của địa phương.

PV: Bạc Liêu kỳ vọng gì vào kết quả của Hội nghị Ngoại giao cho địa phương mình?

Trả lời: Hội nghị lần thứ 18 này và Hội nghị Ngoại giao thứ 29 này diễn ra trong thời kỳ đổi mới có rất nhiều đổi mới. Thứ nhất, chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, và đã đề rất nhiều các chính sách đổi mới. Đặc biệt, trong công tác đối ngoại cũng có nhiều đổi mới hơn. Thứ hai, hiện nay ngành ngoại giao đã có đồng chí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là một điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo cũng như giúp ngành Ngoại giao có tiếng nói hơn.

Công tác ngoại vụ của các địa phương hiện nay đã được tăng cường rất nhiều. Tôi dược biết, gần 50 tỉnh đã có Sở Ngoại vụ. Hiện nay, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chuẩn bị thành lập nhiều Sở Ngoại vụ. Đề án về việc này đã và đang được xem xét. Nhưng chắc chắn trong năm 2016, sẽ có ít nhất bốn, năm Sở Ngoại vụ sẽ dược thành lập. Với lực lượng hùng hậu như vậy, và với sự quan tâm sát sao như vậy, tôi tin chắc rằng hoạt động ngoại vụ ở địa phương và công tác ngoại giao của đất nước sẽ có nhiều bước tiến triển mới và đạt kết quả tốt hơn.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của Cục Ngoại vụ, đặc biệt, ở khía cạnh tương tác, hỗ trợ của Cục Ngoại vụ đối với công tác ngoại vụ ở địa phương?

Trả lời: Việc thành lập Cục Ngoại vụ tạo điều kiện rất thuận lợi đối với địa phương. Trước hết, tôi khẳng định rằng hiệu quả hơn hẳn so với trước đấy, khi mà Sở Ngoại vụ đã liên ngành với Bộ Ngoại giao. Bây giờ, khi có bất cứ một lĩnh vực gì, nội dung gì mà ngoại vụ ở các tỉnh thành muốn triển khai thì chúng tôi thường xuyên liên lạc với Cục Ngoại vụ, ngược lại Cục Ngoại vụ đã tạo điều kiện tốt cho Ngoại vụ các địa phương, làm tốt các công tác về báo cáo theo định kỳ, báo cáo đột xuất, tổ chức hội nghị, tham mưu tư vấn trong rất nhiều việc, kể cả việc đi công tác ở nước ngoài… Như vậy, việc thành lập Cục Ngoại vụ là một việc hết sức đúng đắn, mang lại hiệu quả cao. Sở Ngoại vụ Bạc Liêu rất hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao thành lập Cục Ngoại vụ.

PV: Theo ông, chính sách ngoại giao kinh tế có vai trò như thế nào với địa phương?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng, bất cứ một hoạt động ngoại giao nào, mục đích cuối cùng là kinh tế. Do vậy, hiện nay, ở địa phương, ngoài các tỉnh biên giới, những địa phương không có biên giới thì ngoại giao vẫn chủ yếu phục vụ về mặt kinh tế, mang lợi ích kinh tế cho tỉnh, cho địa phương. Việc kết nối với doanh nghiệp các nước là để tìm hiểu nguồn nhân lực và mời gọi đầu tư đến với địa phương mình. Đầu tư thì phải mang lại hiệu quả kinh tế. Do vậy, công việc ngoại giao phục vụ rất tốt cho lĩnh vực kinh tế của bất cứ một địa phương nào.

Năm 2016 và những năm tiếp theo, Bạc Liêu đã và sẽ tăng cường việc xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của mình và phát huy những tiềm năng đang có, sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư đến với một chính sách hỗ trợ  tốt nhất theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, đúng theo tinh thần Nghị quyết 22 của Chính phủ về hội nhập quốc tế và tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại đối với các nước xung quanh khu vực phía nam, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đây là những thị trường truyền thống rất tốt cho địa phương.

PV: Bạc Liêu có nhiều nông sản nổi tiếng như chôm chôm, nhãn… Thời gian tới, tỉnh có kế hoạch gì để đưa những sản phẩm này đi đến với bạn bè quốc tế?

Trả lời: Nói đến trái cây, Bạc Liêu nổi tiếng có nhãn Bạc Liêu. Tuy nhiên, sản lượng loại nông sản này không phải nhiều lắm. Một số loại giống cây như xoài, chôm chôm, cam, bưởi cũng có nhưng chưa thể nói là hàng hóa được. Hiện nay tỉnh đang muốn đẩy mạnh việc trồng trọt các giống cây này và ngoài việc phát triển diện tích thì tỉnh cũng đang cố gắng xây dựng các thương hiệu trái cây và các sản vật địa phương một cách tốt nhất, dồng thời xúc tiến thương mại sang các nước.

Trong dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Ngoại vụ kết nối với Đại sứ ở Liên bang Nga, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản. ..mục đích là xuất khẩu tôm sang các thị trường này. Với thị trường Nhật, hiện nay tỉnh cũng đang muốn xúc tiến xuất khẩu lao động sang quốc gia này. Thêm nữa là việc xúc tiến kết nghĩa với tỉnh Nagasaki vì dù trước đây, hai địa phương cũng đã có trao đổi nhưng chưa có quan hệ gần gũi như kết nghĩa. Bạc Liêu cũng mong muốn làm được việc kết nghĩa này với các địa phương thuộc Campuchia.

Thực sự, Bạc Liêu cũng đang cố gắng xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh trái cây, thương hiệu sản vật của địa phương mình đến với tất cả các nước thông qua những hoạt động như vậy.

PV: Về chất lượng của sản phẩm ở địa phương, làm thế nào để có thể vươn tới tầm quốc tế?

Trả lời: Đối với Bạc Liêu, sản phẩm chủ yếu là tôm, cua, thủy hải sản đã và đang được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Chất lượng cua, tôm, thuỷ hải sản ở Bạc Liêu ngon hơn các địa phương khác cùng khu vực, có thể là do môi trường, do cách nuôi, cũng có thể do quá trình canh tác, do vậy có chất lượng cao hơn.

Đã có công ty của Hàn Quốc sang xây dựng nhà máy nuôi và chế biến cá Chình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với quy mô rất lớn. Nếu thành công, đây sẽ là kết quả rất lớn không chỉ của Bạc Liêu mà của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

PV: Bạc Liêu có gặp khó khăn gì không khi hội nhập AEC, TPP, các FTA thế hệ mới? Địa phương đã chuẩn bị có kế hoạch gì cho các rào cản, thách thức sắp tới?

Trả lời: Cũng như tất cả các địa phương trong cả nước, Bạc Liêu có những khó khăn nhất định. Thứ nhất là luật pháp quốc tế, đa số người dân vẫn chưa hiểu biết về vấn đề này. Thứ hai là tâm thế của doanh nghiệp khi gia nhập, hội nhập quốc tế hiện nay vẫn chưa đồng đều. Thứ ba là cải cách thủ tục hành chính, dù đã cải tiến mạnh nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thứ tư là lực lượng lao động khó có thể theo kịp được các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là về ngoại ngữ, về tính lao động công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Đây là khó khăn của Bạc Liêu, cũng là khó khăn của các tỉnh khác.

PV: Giải pháp cho những vấn đề lao động này có lẽ còn lâu dài?

Hiện nay, Bạc Liêu chúng tôi đã và đang tích cực chuyển các lao động sau khi học tập lớp 12 và các ngành nghề khác nhau để đào tạo tiếng Anh, Nhật, Hàn Quốc, đào tạo các nghề như may mặc, thợ rèn, thợ xây dựng… Hiện nay các lao động kiểu này đang được xuất khẩu mạnh sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Xin cảm ơn ông.

Thu Nhi (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here