Giới truyền thông Mỹ phản ứng thế nào đối với quyết định của Việt Nam về điều chỉnh thuế nhập khẩu nông sản?

0
82
Việt Nam điều chỉnh thuế nhập khẩu nông sản là tin vui với các nhà sản xuất Mỹ.

Một số trang tin của Mỹ những ngày gần đây đồng loạt đưa tin về việc Việt Nam điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản và chăn nuôi thế mạnh của Mỹ, như lúa mì, ngô và thịt lợn.

Trang farmprogress.com cho biết, ngày 15/11, Việt Nam công bố nghị định điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với ngô và lúa mì từ các nước tối huệ quốc (MFN). Theo đó, kể từ ngày 30/12/2021, Việt Nam sẽ hủy bỏ toàn bộ thuế đối với mọi loại lúa mì và giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống còn 2%. Thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh cũng sẽ giảm từ 15% xuống 10% kể từ ngày 1/7/2022.

Theo brownfieldagnews.com, các tập đoàn lúa mì hàng đầu của Mỹ cho rằng việc chính phủ Việt Nam tiến tới hủy bỏ thuế nhập khẩu lúa mì là tin vui đối với các nhà sản xuất của Mỹ, khách hàng và các nhà chế biến thực phẩm từ lúa mì ở Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu hơn 500.000 tấn lúa mì của Mỹ, trị giá gần 130 triệu USD, trong năm 2020 chỉ đứng sau Australia về số lượng. Chủ tịch Hiệp hội lúa mì Mỹ Darren Padget cho biết việc loại bỏ thuế quan là quan trọng đối với nông dân Mỹ vì xuất khẩu lúa mì của Mỹ sang Việt Nam chậm hơn nhiều trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt và giá tăng.
Động thái này diễn ra sau khi Nhà Trắng cuối tháng 8 vừa qua hứa hẹn giúp các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu ngô, lúa mì và thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam đạt 228 triệu USD vào năm 2020. Việt Nam cũng tăng cường mua ngũ cốc chưng cất khô có chất hòa tan của Mỹ trong giai đoạn 2020-2021 (tổng cộng là 1,7 triệu tấn) và trở thành thị trường lớn thứ hai của Mỹ.

Ryan LeGrand, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng ngũ cốc Mỹ cho biết: “Đây là một tin tuyệt vời đối với các sản phẩm của Mỹ, giúp san bằng sân chơi với các đối thủ cạnh tranh từ Biển Đen và các thành viên ASEAN. Công việc của chúng tôi tại Việt Nam, với sự phối hợp của Cục Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, đã giúp hiện thực hóa điều này. Chúng tôi cảm ơn chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước quan trọng này để làm cho thương mại tự do và công bằng hơn”.

Tháng 9 vừa qua, Hội đồng ngũ cốc Mỹ phối hợp tổ chức cuộc họp tại New York giữa Tập đoàn T&T (nhà nhập khẩu ngũ cốc thức ăn chăn nuôi của Việt Nam) và các thành viên Hội đồng, Công ty DeLong và Valero, và kết quả thu được là 2 biên bản ghi nhớ. Tại cuộc họp, LeGrand cũng trao đổi với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc về việc giảm thuế nhập khẩu ngô và ethanol.

Một ngày sau đó, tại Washington, D.C., Hội đồng ngũ cốc Mỹ cũng tăng cường nỗ lực bằng cách tiếp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các quan chức khác của Bộ và đại diện từ Công ty Khải Anh, một nhà nhập khẩu ngũ cốc thức ăn chăn nuôi lớn khác của Việt Nam). Hội đồng đã ký hai biên bản ghi nhớ với Bộ NN & PTNT và Công ty Khải Anh để hỗ trợ ngành thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam, đồng thời đảm bảo ngô và ngũ cốc của Mỹ có được mức giá thương lượng.
Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USWA) và Hiệp hội Quốc gia những người trồng lúa mì Mỹ (NAWG) đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Biden và Bộ Tài chính Việt Nam trong việc loại bỏ thuế quan đối với lúa mì, sau khi cắt giảm từ 5% xuống 3% vào tháng 7/2020.

Việt Nam nhập khẩu trung bình khoảng 4 triệu tấn lúa mì mỗi năm. Dave Milligan, chủ tịch NAWG và một người trồng lúa mì từ Cass City, cho biết thêm: “Với khoảng một nửa lượng lúa mì sản xuất để xuất khẩu mỗi năm, chúng tôi rất cần được tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường như Việt Nam. NAWG ủng hộ các chính sách thương mại hướng tới cơ hội tích cực cho người trồng lúa mì và khách hàng của họ”.

Cuối tháng 12/2020, Trợ lý Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế Maria Zieba cho biết thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ khiến sản phẩm thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào thị trường này bị ảnh hưởng.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn, nhưng đang phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu thịt lợn tăng đáng kể. Mỹ không có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và phải chịu sự cạnh tranh của Canada, EU, Mexico và các quốc gia khác. Một số hàng rào phi thuế quan cũng là rào cản bổ sung đối với xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here