Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm, nhiều ngân hàng đã công bố chương trình giảm lãi suất cho vay.
Gần nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố Chương trình ưu đãi giảm lãi suất với hạn mức giải ngân lên đến 2.000 tỷ đồng. Đối tượng được hưởng ưu đãi là khách hàng cá nhân kinh doanh hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo lần đầu đăng ký vay vốn tại MSB.
Theo đó, từ tháng 12/2022, mức lãi suất ưu đãi sẽ được giảm từ 2,5% đến 3%/năm so với lãi suất thông thường đối với khoản vay trung và dài hạn.
Bên cạnh giảm lãi suất, MSB cũng ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và mua sắm, tiêu dùng dịp cận Tết.
Đồng thời, ngân hàng này cũng chủ động cung cấp các giải pháp tiện ích khác trên môi trường số, giúp khách hàng có thể giao dịch 100% trực tuyến từ việc mở tài khoản đến các tính năng khác một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Trước đó, VIB áp dụng chương trình giảm lãi suất đến 1,5% cho khách hàng trong thời gian từ 10/10/2022-30/06/2023 cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ (MSME) vay kinh doanh tại VIB.
Hay tại MB, ngân hàng này cũng có những gói ưu đãi riêng, giảm từ 0,5 – 1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu… Ngân hàng cho biết, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, đã giúp ngân hàng tiết giảm chi phí, thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, có lãi suất thấp, có điều kiện giảm lãi vay.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% – 3%/năm.
Theo giới chuyên môn, với việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cùng hành động điều phối nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ sớm hạ nhiệt.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup cho hay, hiện tại, các tổ chức quốc tế đã có nhận định về bức tranh kém lạc quan của kinh tế năm 2023. Các dấu hiệu đã bắt đầu với số lượng các đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm nay. Tuy niên, đây cũng là yếu tố để cơ quan quản lý có thể cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ nhằm kích thích phát triển kinh tế.
“Vì vậy, năm sau tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý 2/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2/2023 trở đi”, ông Báu nói.
Chung quan điểm, TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường liên ngân hàng thường là nơi thể hiện tín hiệu sớm và qua tín hiệu thị trường này có thể dự báo các động thái của thị trường tiền tệ nói chung trên phạm vi rộng hơn.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt sẽ là yếu tố nền tảng cơ bản giúp cho lãi suất ở bên ngoài cũng giảm dần. Hiện tại, các yếu tố này mới đang ở mức sơ khởi ban đầu, chưa thể có tác động ngay đến nền kinh tế vì thông thường mỗi sự thay đổi cần chờ đợi thêm một khoảng thời gian để có thể nhận biết những tác động rõ ràng. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ diễn biến rõ hơn trong năm 2023.
“Thực tế, mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn được Ngân hàng Nhà nước thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các ngân hàng phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp”, ông Linh nhận định.
(Vũ Phong/vneconomy)