Giảm thuế nhập khẩu gạo vào Bangladesh có thể làm tổn thương nông dân trong vụ mùa Ama

0
74
(ảnh minh hoạ)

Người trong cuộc cho biết quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến nông dân trong thu hoạch vụ mùa Aman này (thu hoạch vào cuối năm), nhấn mạnh Chính phủ cần phải tăng thu mua trong nước và hạn chế nhập khẩu.

Ngày 08/7/2020, Bộ Lương thực cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu gạo trong tuần cuối cùng của tháng này. Thuế nhập khẩu gạo hiện nay là gần 65%. Quyết định này được đưa ra khi các nhà máy xay xát đã không cung cấp gạo cho các kho của Chính phủ với mức giá quy định là từ 35-36 Tk/kg (khoảng 40 cent/kg). Theo Thứ trưởng Bộ Lương thực, Tiến sĩ Mosammat Nazmanara Khanum, quyết định đã được đưa ra nhằm tìm nguồn cung gạo từ bên ngoài và cho biết thêm “Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi tình hình cho đến tuần cuối cùng của tháng 7, xem các kho dự trữ có nhận được gạo từ các nhà máy xay hay không”.

Tổng cục Lương thực (DGoF) đã mua 0,34 triệu tấn lương thực cho đến ngày 05/7/2020. Mục tiêu là phải mua được 19,5 triệu tấn đến ngày 31/8/2020. Hiện tại, Chính phủ chỉ có 0,9 triệu tấn gạo trong kho, so với cùng kỳ năm ngoái là 1,37 triệu tấn.

Tuy vậy, giá gạo vẫn ổn định trong tuần vừa qua, nhưng đã tăng thêm 2,0-3,0 Tk/kg trong một tháng vừa qua. Theo Tập đoàn Thương mại nhà nước Bangladesh (TCB), gạo thường được bán ở mức 42-45 Tk/kg, gạo chất lượng trung bình là Tk 48-54 và loại ngon hơn ở  mức Tk 55-65/kg. Như vậy giá gạo thường, hiện tại cao hơn 16-18% so với năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế nông nghiệp và chuỗi giá trị, Giáo sư Golam Hafeez Kennedy cho biết nông dân đã có lợi nhuận trong mùa Boro vừa qua sau hai năm. Ông cho biết nông dân bán lúa Braldhan-28 đầu vụ với giá 750-780 Tk/maund (hơn 37 kg), hiện đang bán với giá tối thiểu là 920 Tk/maund. Ông cũng cho biết mặc dù phải đánh cược với thiên nhiên và thiên tai, nông dân hiện đang bận rộn cho việc canh tác vụ Aman sau khi được khích lệ với thắng lợi của vụ Boro. Ông cho rằng Chính phủ nên hỗ trợ và có khuyến khích hợp lý cho nông dân để duy trì sản xuất lúa gạo trong mùa Aman này và cho rằng bất kỳ hình thức mở cửa thị trường nhập khẩu gạo nào cũng có thể làm nản lòng nông dân trồng trọt vụ Aman.

Giáo sư cũng nói rằng nếu nhập khẩu bắt đầu từ tháng 8, giá lương thực có thể giảm nghiêm trọng trong mùa thu hoạch Aman từ tháng 11 đến tháng 1. Nhập khẩu gạo có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là sản xuất lúa gạo 15,6 triệu tấn trong mùa Aman. Nhập khẩu chỉ có thể được tính đến vào lúc này nếu sản lượng vụ mùa Boro giảm, nhưng Chính phủ đang công bố rằng sản lượng vụ Boro là trên 20 triệu tấn.

Giáo sư Abdul Hameed, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu nông nghiệp, Bangladesh (ARF), nói rằng việc giảm thuế nhập khẩu khó có thể giúp Chính phủ mua được gạo với giá rẻ hơn. Giá gạo thế giới hiện đang dao động trong khoảng 380-485 USD/tấn, cao hơn 18-20% so với một năm trước. Loại Swarna-5 hoặc Guti Swarna của Ấn Độ sẽ có giá tối thiểu 36-37 Tk/kg, nếu giảm 65% thuế nhập khẩu gạo thì giá cao hơn giá gạo các nhà máy hiện tại ở Bangladesh. Vì vậy, tìm nguồn cung ứng từ các thị trường nước ngoài bây giờ sẽ không phải là một giải pháp tốt.

Doanh nhân Bangladesh K M Layek Ali cho biết giá lúa đã tăng đáng kể trong một tháng rưỡi qua vì nhiều nông dân giàu và thương nhân đang tích trữ lúa để có thêm lợi nhuận. Theo ông họ sẽ bị buộc phải bán ra khi bắt đầu thu hoạch vào đầu tháng 8, điều này có thể giúp giảm giá. Ông cho rằng Chính phủ bây giờ chỉ nên nhập khẩu gạo theo kênh chính phủ để giúp nông dân cải thiện giá.

Theo Bộ Lương thực, Bangladesh nhập khẩu gạo gần như bằng 0 trong năm tài chính vừa kết thúc (FY20), trong năm tài chính FY19 nhập 0,41 triệu tấn. Bangladesh nhập khẩu gạo với mức cao nhất là 4,0 triệu tấn trong năm tài chính FY18, chủ yếu là từ Ấn Độ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here