7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Với thành tích ấn tượng này, rau quả Việt Nam có thể đạt mức kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo, Hàn Quốc cũng tăng 55% so với cùng kỳ.
“Trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ…”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Tronng khối Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực Hiệp định RCEP, lượng sản phẩm trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất với 12 sản phẩm và thêm vào đó là chanh leo, ớt được xuất khẩu tạm thời còn trái dừa được xuất khẩu thí điểm.
Tiếp đến là New Zealand có 5 sản phẩm là xoài, thanh long, chôm chôm, chanh, bưởi. Còn với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.
Tiếp nối thành công nói trên, hiện Cục Bảo vệ thực vật đang mở cửa thị trường cho quả có múi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo, nhãn, vải cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang Australia; chanh leo, bưởi sang New Zealand.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận thấy, khi có hiệp định thương mại tư do, giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục cập nhật quy định nhập khẩu của các thị trường để kịp thời đáp ứng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững; trong đó có rau quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn”.
Về thị trường nông lâm thủy sản nói chung, trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành nông nghiệp, nông thôn, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ.
Theo đó, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng./.
Khánh Ly