Giải ngân vượt cùng kỳ 110.000 tỷ nhưng chưa hết lo, nhiều địa phương e ngại xử lý thủ tục về đất

0
50
(Quốc hội)
(Quốc hội)
Chiều ngày 23/10/2023, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
HÚT THÊM 100.000 TỶ VỐN TƯ NHÂN, TẬP TRUNG DỰ ÁN LAN TOẢ
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng).
Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm, từ năm 2021 đến năm 2023 được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.533 dự án, số dự án khởi công mới 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng với đó, “hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Đầu tư công phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 02 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, giải ngân đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 – 2022, có 24 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư đang triển khai, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, các dự án còn lại thuộc lĩnh vực xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, y tế.
“Thông qua các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự kiến huy động được 96.939 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cơ cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế – xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP tăng, quy mô vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng qua các năm.
KHÓ GIẢI NGÂN HẾT VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.
“Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn”, ông Dũng nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nơi còn chậm và thực hiện nhiều lần trong năm.
Đáng lưu ý, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.
“Xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng thẳng thắn nêu rõ bất cập.
Năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế.
Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án…
Trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, cho biết qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết 29 đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thể chế về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện, việc phân công, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, “đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, tình trạng thực hiện, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách quan ngại.
Kết quả cụ thể cho thấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, khả năng giải ngân hết của năm 2023 là khó khả thi.
Một số trường hợp phát sinh thêm phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về tính hợp lý của việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công trong khi không bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
Về dự kiến thực hiện 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với thực tế bố trí vốn ngân sách trung ương hiện nay, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm, cân đối nguồn cho chi đầu tư công không đạt kế hoạch, yêu cầu cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là khá lớn.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy do kế hoạch vốn năm sau cơ bản tương đương với năm trước nên đã dẫn tới khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn. Dự kiến có khoảng 376 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43 giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn.
Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách trung ương là hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong hai năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa đảm bảo, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc ngân sách trung ương dự kiến hụt thu lớn.
Về kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ cho vay vốn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Chính phủ cần đàm phán, thống nhất với các nhà tài trợ để hài hòa quy định của nhà tài trợ với luật pháp trong nước và xây dựng phương thức vay vốn mới, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay.
(Ánh Tuyết)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here