Theo Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế của Bangladesh Shahidul Islam, việc giải ngân khoản viện trợ ODA của Nhật Bản trị giá 1,64 tỷ USD cho 6 dự án của Bangladesh đang bị trì hoãn do sự phức tạp nảy sinh trong vấn đề phí ngân hàng. Đại diện của Ngân hàng Trung ương Bangladesh (BB) và Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UJF Ltd của Nhật Bản (BTMU) sẽ có cuộc họp nhằm tìm ra cách thức trả khoản phí ngân hàng cho BTMU để cớ thể giải ngân khoản vốn ODA trên. Trong bức thư gửi đến các cơ quan liên quan gần đây, BTMU cho biết ngân hàng này không thể cắt khoản phí trên khỏi nguồn vốn ODA và yêu cầu các cơ quan liên quan trả riêng khoản phí này thông qua BB. Ông Islam cho biết phía Bangladesh mong muốn sớm giải quyết vấn đề trên bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án.
Tỷ lệ lãi suất gói vốn vay ODA thứ 38 này của Nhật Bản cho 6 dự án phát triển của Bangladesh trong các lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, cải thiện nguồn nước là 0,7%. Trong 10 năm qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ tính mức lãi suất 0,01% cho các gói ODA dành cho Bangladesh. Tuy nhiên bắt đầu từ gói ODA thứ 38, Nhật Bản đã tăng lãi suất lên mức 0,7%, thời hạn cho vay là 30 năm với 10 năm ân hạn do Bangladesh đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhật Bản đã hỗ trợ Bangladesh gần 12 tỷ USD từ năm tài chính 1971-72 và trở thành nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Bangladesh kể từ khi nước này giành độc lập năm 1971. Trong gói vốn vay ODA lần thứ 38 này, JICA đã cam kết cung cấp 700 triệu USD cho dự án mở rộng sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal; 480 triệu USD cho các dự án xây cầu Kanchpur, Meghna và Gumti, 190 triệu USD cho dự án xây dựng trạm biến áp ngầm Dhaka và 110 triệu USD cho dự án phát triển công trình thủy lợi quy mô nhỏ. Mặc dù Nhật Bản tăng lãi suất cho vay lên 0,7%, nhưng mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (mức lãi suất là 0,75%) và Ngân hàng phát triển Châu Á (mức lãi suất là 2-3%).
(The Financial Express)