Nguyên Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yu Yongding, mới đây có bài viết với nội dung tóm tắt như sau:
Trong tháng 5, lãnh đạo Trung Quốc công bố chiến lược tuần hoàn kép. Để hiểu liệu chiến lược này có phải là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cơ bản trong nhãn quan tăng trưởng và chiến lược phát triển của Trung Quốc hay không, cần điểm lại ngắn gọn quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc từ cuối những năm 1970. Cho đến cuối thập kỷ 70, trở ngại mấu chốt ngăn Trung Quốc cất cánh về kinh tế là thiếu ngoại tệ; không có ngoại tệ thì khó khởi động xuất khẩu, không có xuất khẩu thì lại không có nguồn để tích lũy ngoại tệ. Nhưng Trung Quốc đã may mắn. Sự vươn lên của lĩnh vực chế tạo phục vụ đầu vào cho sản xuất trên thế giới những năm 1970 tạo cơ hội để Trung Quốc phá vỡ vòng luẩn quẩn. Những năm 1970 và 1980 chứng kiến sự phát triển nở rộ của lĩnh vực chế tạo phục vụ đầu vào cho sản xuất ở các khu vực duyên hải phía Đông Nam của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này đã có thể nhập khẩu, tiến hành gia công các cấu phần đầu vào cho sản xuất nhờ hoạt động thuê ngoài của các tập đoàn nước ngoài. Các sản phẩm cuối cùng với giá trị gia tăng thực hiện bởi doanh nghiệp Trung Quốc sau đó lại được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thương mại phục vụ gia công chế tạo cho phép Trung Quốc phát huy lợi thế số lượng nhân công dồi dào, có kỹ năng với chi phí lao động thấp.
Qua thời gian, một chu trình nhập khẩu hàng hóa trung gian để gia công và sau đó xuất khẩu ra thế giới được thiết lập; dự trữ ngoại hối dần dần được tích tụ, để từ đó lại tiếp tục giúp nhập khẩu thêm hàng hóa trung gian để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Vòng xoáy xuất-nhập khẩu thịnh vượng này giúp đẩy nhanh tốc độ tích tụ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Xu thế này được củng cố hơn nữa bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc với quy mô lớn nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ. Năm 1988, nhà nghiên cứu Wang Jian của Trung Quốc đã sáng tạo ra cụm từ “vòng tuần hoàn quốc tế vĩ đại” để mô tả chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc. Chiến lược này đã thành công. Thương mại của Trung Quốc đã tăng lên gần 4200 tỷ USD năm 2013, đưa Trung Quốc thành nước đứng đầu thế giới về thương mại. Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế vượt qua một ngưỡng nhất định, chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu lại tự tạo ra những hệ quả có tính triệt tiêu. Sau 40 năm mở rộng với mô hình “tuần hoàn quốc tế vĩ đại”, Trung Quốc không còn là nền kinh tế nhỏ, tác động toàn cầu của xung lực xuất khẩu đã ở bình diện rộng lớn. Trên thực tế, sau khi bước sang thế kỷ mới, giá cả của bất kỳ hàng hóa nào Trung Quốc nhập khẩu từ bên ngoài đều có xu hướng tăng lên trong khi giá cả bất kỳ hàng hóa nào Trung Quốc bán ra thị trường nước ngoài đều có xu hướng giảm xuống. Tình hình trở nên xấu hơn khi năng lực xuất khẩu không ngừng gia tăng của Trung Quốc tạo ra phản ứng bảo hộ nghiêm trọng từ các nước nhập khẩu. Dung lượng dự trữ ngoại hối 3000 tỷ (2014) vượt quá xa mức cần thiết để bảo đảm tính thanh khoản. Một xu hướng không kém phần tiêu cực khác là việc Trung Quốc liên tục trong tình trạng thâm hụt thu nhập từ đầu tư trong hơn một thập kỷ khi tài sản nước ngoài ròng luôn duy trì ở mức hơn 2000 tỷ USD. Điều này cho thấy có sự sai sót nghiêm trọng trong vấn đề phân bổ nguồn lực xuyên biên giới của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã ý thức được mặt trái của chiến lược hướng vào xuất khẩu và trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 năm 2006 đã nhấn mạnh “tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cần dựa trên nhu cầu trong nước, nhất là nhu cầu tiêu dùng”; động lực tăng trưởng kinh tế cần chuyển đổi từ tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng cân đối giữa đầu tư và tiêu dùng, cũng như tăng trưởng cân đối giữa nhu cầu trong nước và nhu cầu bên ngoài. Nhưng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua điểm cân bằng này khi tỷ phần của thương mại và của xuất khẩu trong GDP đã đạt đỉnh vào năm 2006 lần lượt ở mức 65% và 36%. Kể từ năm 2009, đóng góp của xuất khẩu ròng đối với tăng trưởng GDP của Trung Quốc hàng năm đều ở mức âm.
Những chiều hướng này cho thấy, việc đưa ra khái niệm mới “tuần hoàn kép” không hàm ý bất kỳ sự thay đổi căn bản nào trong nhân sinh quan tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Dù xảy ra bất kỳ điều gì, Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lưng lại với phần còn lại của thế giới. Phân tách và cấm vận do chính quyền Mỹ thực hiện càng thôi thúc Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc kết nối tăng trưởng kinh tế với nhu cầu trong nước, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở trong nước, phát huy những lợi thế về thị trường trong nước to lớn với hơn 1,4 tỷ dân, năng lực chế tạo ở trình độ phát triển cao và hạ tầng hiện đại, nhằm bảo đảm vị thế vững chắc của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này lý giải tại sao lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu nhấn mạnh “tuần hoàn kép”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)