Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng hơn 13%, gạo chất lượng cao giữ vị thế

0
22
Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn, những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25 vẫn giữ được vị thế.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với kim ngạch 4,37 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu tăng 9,2%, giá trị tăng 23,5%. Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, cả nước gieo cấy 6,93 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5%.

Trong khi đó, với các loại gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp nhận định, gạo Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo ông Đinh Ngọc Tâm – Phó tổng giám đốc Công ty Cỏ May, giá gạo ST 25 sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung. Mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn, những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25 vẫn giữ được vị thế.

Ngay cả vụ Thu Đông, các địa phương đều khuyến cáo người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Áp lực đối với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.

Với các đơn hàng đã ký, dự tính trong quý IV/2024, cần đến hơn 2 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu dự tính lên hơn 9 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng gạo trong nước dành cho xuất khẩu đã cạn, trong khi miền Bắc đối diện với nguy cơ mất mùa, khi có gần 300.000ha lúa ở các tỉnh miền Bắc bị ngập úng, hư hại do bão số 3. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong quý cuối năm 2024 sẽ phải tăng nhập khẩu gạo để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là con số cao kỷ lục trong lịch sử, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của năm 2023.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong quý IV/2024, nguồn cung gạo trong nước hiện không còn nhiều, một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm. Vì vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục tham gia đấu thầu các gói gạo mà Indonesia chào mời, thì phải tăng nhập khẩu từ các nước lân cận.

Mới đây, Việt Nam đã trúng thầu 2 lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn, trong đợt mở thầu gạo tháng 9 của Indonesia với giá trúng thầu là 548 USD/tấn, giảm 32 USD so với tuần trước. Mặc dù giá giảm, nhưng nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, nông dân Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng lúa gạo giá cao, còn lúa gạo ở phân khúc trung bình, phổ thông ít dần. Thậm chí, để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, nhiều diện tích chỉ còn sản xuất 1 vụ lúa chất lượng cao, thời gian còn lại là nuôi tôm, cá. Để làm bún, phở, nhiều loại sản phẩm chế biến từ gạo, hay làm thức ăn chăn nuôi… thì cần loại gạo phân khúc trung bình. Do đó, vài năm gần đây, ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập một lượng lớn gạo để bù đắp những khoảng trống.

Về thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 8/10/2024, cả nước có 157 thương nhân xuất khẩu gạo, giảm 6 thương nhân so với danh sách công bố hôm 1/8.

TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với 38 thương nhân, tiếp theo là Cần Thơ với 34 thương nhân, và Long An 21 thương nhân.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here