“Gặp gỡ Nhật Bản 2023”: Chất liệu và nguồn cảm hứng cho những ý tưởng và kế hoạch hợp tác mới

0
111
Lễ cắt băng khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Nhật Bản. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn Hội nghị ‘Gặp gỡ Nhật Bản 2023’ là cơ hội tốt, giúp lãnh đạo tất cả các cơ quan đại diện của Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gặp gỡ cùng trao đổi, tìm hiểu, xúc tiến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng với lãnh đạo và đại diện đến từ tất cả các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp của Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Nhật Bản. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ban Tổ chức Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam và các cơ quan, tổ chức Nhật Bản tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023).

Cơ hội trao đổi trực tiếp quan trọng

Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm nhằm hỗ trợ các địa phương tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài về phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Kể từ năm 2017, Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được định kỳ tổ chức hàng năm và qua các kỳ tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, đồng hành của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, hiệp hội quan trọng của Nhật Bản tại Việt Nam, đông đảo doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Hai bên đã đạt được sự tin cậy chính trị sâu sắc, hợp tác hiệu quả, thực chất trên mọi lĩnh vực. Việt Nam vinh dự là điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức của các Thủ tướng Nhật Bản như Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Suga Yoshihide vào các năm 2013 và 2020.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Trong hợp tác về kinh tế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác số một về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, 88% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng doanh thu tại Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai. Cùng với xu thế phát triển chung của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt – Nhật, giao lưu, hợp tác giữa địa phương hai nước thời gian qua phát triển mạnh mẽ, thực chất.

Địa phương hai nước đã thiết lập khoảng 100 cặp quan hệ, ký kết hơn 110 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: đầu tư, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Cùng với đó, giao lưu, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo địa phương hai nước diễn ra sôi động, đi vào chiều sâu, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản coi việc hỗ trợ các địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác Nhật Bản là nhiệm vụ quan trọng.

Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ 15-20 đoàn lãnh đạo đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thăm làm việc tại Nhật Bản, trong đó có nhiều địa phương đã trực tiếp tham gia chương trình Quảng bá Địa phương Việt Nam tại Nhật Bản như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum, Thừa Thiên – Huế, Yên Bái…

Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” thường niên từ năm 2017 tại Khánh Hòa, Cần Thơ, Nghệ An, Đắk Lắk để hỗ trợ kết nối 34 tỉnh thành phố các khu vực Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên với Đại sứ quán và các cơ quan đối tác quan trọng của Nhật Bản.

Trên cơ sở các chương trình kết nối đó, nhiều dự án hợp tác Việt-Nhật thiết thực đã được thúc đẩy. Năm 2023 – năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp, hỗ trợ nhiều địa phương (Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Khánh Hòa, Hưng Yên..) tổ chức các hoạt động kết nối với đối tác Nhật Bản trực tiếp tại địa phương.

Theo Bộ trưởng, tại Hội đàm cấp cao với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/05/2023 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất cùng Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng và khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi với các điều kiện về đất đai, con người, môi trường, chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật Bản. Đây là cơ hội vô cùng thuận lợi để thúc đẩy hợp tác cấp địa phương giữa hai nước.

Bộ trưởng mong muốn Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” lần này là cơ hội tốt, giúp lãnh đạo tất cả các cơ quan đại diện của Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gặp gỡ cùng trao đổi, tìm hiểu, xúc tiến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng với lãnh đạo và đại diện đến từ tất cả các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp của Việt Nam.

Lễ cắt băng khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Nhật Bản. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio bày tỏ vui mừng dự sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” với số lượng đại biểu hai nước đến tham dự đông nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm cao của cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam.

Đại sứ Yamada Takio cũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam, đánh dấu mốc quan hệ hợp tác mới giữa hai nước. Hai nước đang hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực như: bảo đảm an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu con người và đang thực sự trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau.

Đại sứ mong nhận được sự hợp tác giữa các địa phương Nhật Bản và các tỉnh, thành của Việt Nam sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa và kỳ vọng rằng Hội nghị ‘Gặp gỡ Nhật Bản’ lần này sẽ là bước tiến quan trọng trong việc đưa quan hệ giao lưu giữa các địa phương hai nước bước sang giai đoạn mới.

Hội nghị đã trao đổi, làm rõ những phương hướng lớn và nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực, hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ cắt băng khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Nhật Bản và 3 Phiên chuyên đề với những chủ đề được hai bên quan tâm hiện nay: ‘Tăng cường thương mại – đầu tư’; ‘Giáo dục – đào tạo và hợp tác nguồn nhân lực’; ‘Hợp tác phát triển văn hóa, du lịch’.

Các bên cũng tập trung thảo luận các nội dung hợp tác nổi bật nhất, gồm: đầu tư, thương mại, nông nghiệp, chuyển đổi số, đô thị thông minh, hợp tác địa phương, hợp tác nguồn nhân lực và giáo dục – đào tạo.

Chiều cùng ngày, Ban tổ chức sự kiện đã thu xếp cho hàng trăm cuộc gặp làm việc bên lề (G2G, G2B) giữa lãnh đạo và doanh nghiệp các địa phương Việt Nam với Ngài Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đối tác Nhật Bản.

Đây là cơ hội trao đổi trực tiếp quan trọng để hai bên chia sẻ những kết quả hợp tác cần phát huy, những vướng mắc cần tháo gỡ và đặc biệt là những ý tưởng hợp tác cụ thể, thiết thực cho thời kỳ hợp tác mới.

Ba định hướng hợp tác

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn nổi bật.

Thứ trưởng kỳ vọng, Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 để lại nhiều hơn nữa những ấn tượng tốt đẹp, cung cấp thêm cho mỗi người chất liệu và nguồn cảm hứng cho những ý tưởng và kế hoạch hợp tác, các dự án đầu tư mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nhật Bản tận dụng thật tốt cơ hội kết nối, giao lưu để có nhiều thành công trong hợp tác thời gian tới.

Qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, của Đại sứ Yamada Takio và qua ba phiên thảo luận với nội dung hết sức thực chất và thiết thực, Thứ trưởng nhấn mạnh đến ba nhận định và định hướng hợp tác giữa hai bên.

Một là,chặng đường 50 năm vừa qua đã tạo dựng một nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản lên tầm cao mới.

Thứ trưởng cho rằng, nền tảng, mối lương duyên đó đã được khơi nguồn từ nhiều thế kỷ trước và không ngừng được vun đắp qua nhiều thế hệ. Mối liên hệ lịch sử, sự giao thương hàng hóa, nét tương qua đồng văn hóa, tình cảm chân thành, sự tin tưởng, sẻ chia nhiều lợi ích chung giữa nhân dân hai nước là những yếu tố quan trọng đưa quan hệ hai nước ngày càng gắn bò, bền chặt.

“Đó là những tài sản quý giá trong quan hệ hai nước mà tất cả chúng ta ngồi đây đều trân trọng, gìn giữ và tiếp tục phát huy, là cơ sở để thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại, hướng đến phát triển thịnh vượng vì hạnh phúc của nhân dân hai nước”, Thứ trưởng nói.

Hai là,tiềm năng hợp tác kinh tế song phương là rất lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực và văn hóa, du lịch.

Lãnh đạo các địa phương Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhấn mạnh các tiềm năng và cơ hội hợp tác hai bên như: thu hút FDI chất lượng cao, hợp tác giáo dục, đào tạo kỹ năng lao động, đào tạo chất lượng cao, phát triển du lịch xanh, giao lưu văn hóa, thúc đẩy tình hữu nghị hai bên…

Các xu thế, động lực tăng trường mới trên thế giới cũng mở ra nhiều triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực mới, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh… hướng tới phát triển bền vững và thông minh hơn.

Ba là,sự phát triển đi vào chiều sâu trong quan hệ Việt-Nhật mở ra tiềm năng thúc đẩy hợp tác ở nhiều cấp khác nhau, không chỉ sâu sắc ở cấp trung ương mà còn mạnh mẽ cấp địa phương.

Hiện có trên 40 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản ký kết các văn bản hợp tác với nhau. Đặc biệt, nhiều địa phương Nhật Bản đã thành lập nhóm liên minh nghị sỹ, tổ chức hữu nghị của từng địa phương với Việt Nam.

Thứ trưởng cho rằng dư địa hợp tác cấp địa phương còn rất lớn. Đây là định hướng hợp tác cần được ưu tiên đẩy mạnh, trở thành động lực sâu sắc thêm quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here